Thuật xem tướng xưa và nay: Muốn biết một người giàu hay nghèo, chỉ cần nhìn điểm này là đủ

Làm sao để phán đoán một người giàu hay nghèo? Đừng chỉ nhìn vào hàng hiệu mà anh ta đang mặc trên người, hay chiếc túi cô ấy đang đeo đắt tiền ra sao, mà hãy nhìn vào “khuôn mặt” của họ. Một nghiên cứu cho thấy, bằng cách quan sát nét mặt của một người có thể phán đoán người đó nghèo hay giàu, hơn nữa tỷ lệ chính xác cao đến 53%.

Theo các báo cáo trước đây của trang web y tế “Medical Xpress”, khoa Nghệ thuật và Khoa học tại Đại học Toronto đã tiến hành một nghiên cứu, lấy thu nhập gia đình hàng năm là 75.000 USD làm tiêu chuẩn cơ bản và chia các sinh viên đồng ý làm thí nghiệm thành hai nhóm: Một nhóm có thu nhập gia đình dưới 60.000 USD một năm và nhóm còn lại là hơn 100.000 USD một năm, sau đó yêu cầu những người làm thí nghiệm lần lượt chụp ảnh “gương mặt không cảm xúc”.

Sau đó, họ tiến hành để một nhóm người làm thí nghiệm khác xem các bức ảnh và yêu cầu họ đoán xem những người trong ảnh là giàu hay nghèo. Đáng ngạc nhiên là phán đoán của các đối tượng này chuẩn xác đến 53%, cao hơn xác suất suy đoán ngẫu nhiên rất nhiều. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy mọi người thực sự có thể đánh giá mức sống và điều kiện kinh tế của mọi người bằng cách “nhìn vào khuôn mặt của họ”.

Nicholas O. Rule, giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto, cho biết: “Có một dạng tế bào thần kinh trong não chuyên nhận diện khuôn mặt. Khi chúng ta nhìn vào một người, điều bạn sẽ chú ý đầu tiên chính là gương mặt của đối phương”.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thói quen cảm xúc bên ngoài của một người thuận theo năm tháng trôi qua vẫn sẽ khắc sâu trên khuôn mặt. Những người giàu có nhìn vào thì thấy “mãn nguyện” hơn vì tâm trạng vui vẻ thường đi đôi với sự giàu có và mãn nguyện. Trong khi những người nghèo khổ hoặc khó khăn, nói một cách tương đối thường dễ chau mày và trông buồn bã hơn.

Giáo sư Rule nói: “Khuôn mặt của bạn là sự phản ánh vĩnh viễn những gì bạn đã trải qua và ngay cả khi bạn không thể hiện bất cứ điều gì, dấu vết của những cảm xúc đó vẫn luôn ở đó”. Bởi vậy, ngay cả khi gương mặt của người này không cảm xúc, không biểu lộ nụ cười hay các cảm xúc khác, thì bộ não của chúng ta vẫn có thể đưa ra phán đoán về điều kiện kinh tế xã hội và địa vị, giai tầng của người đó.

Nhưng cái gì cũng có ngoại lệ, giáo sư Rule cũng nói rằng nếu bạn luôn có thể duy trì một tâm trạng vui vẻ, gương mặt lúc nào cũng tươi vui, thì bất kể thu nhập thực tế của người đó là bao nhiêu, “trông bạn sẽ rất giàu có”.

Nói về thuật xem tướng đoán người, vị quan triều Thanh Tăng Quốc Phiên có thể nói là một cao nhân. Làm đến chức Nội các Học sĩ trong Triều đình Mãn Thanh, ông cần “biết người dùng người”, và thuật xem tướng này gói gọn trong 8 câu nói gồm 40 từ: “Tà chính khán nhãn tị, chân giả khán chủy thần, công danh khán khí khái, phú quý khán tinh thần, chủ ý khán chỉ trảo, phong ba khán cước cân, nhược yếu khán điều lý, toàn tại ngữ ngôn trung”, (tạm dịch: Chính tà nhìn mắt mũi. Thật giả xem môi miệng. Công danh nhìn khí khái. Phú quý nhìn tinh thần. Chủ ý nhìn tay. Phong ba nhìn chân. Nếu muốn biết quy củ, tất cả trong lời nói).

Liên quan tới “biết người, dùng người”, Tăng Quốc Phiên có một cách phán đoán và suy luận rất nổi tiếng: “Làm việc không gì khác ngoài việc dùng người, dùng người trước nhất phải biết người”.

Nói về việc làm sao để biết người, Tăng Quốc Phiên có một bộ pháp môn đặc biệt, được người đời gọi là thuật xem tướng. Tổng kết bộ thuật xem tướng này, chính là gói gọn trong 8 câu nói gồm 40 từ:

* Chính tà nhìn mắt mũi

Tăng Quốc Phiên cho rằng, người tà hay chính, từ con mắt và mũi liền có thể biết.

Cổ nhân có kinh nghiệm rằng: “Thân bảy thước không bằng đầu một thước, đầu một thước không bằng mắt một thốn”.

Văn họa gia Lý Ngư thời Minh mạt Thanh sơ cũng nói: “Xem xét tâm tà chính, tuyệt diệu xem con ngươi.”

Con mắt là cửa sổ linh hồn của mỗi người. Một người phẩm hạnh như thế nào, từ trong ánh mắt của anh ta liền có thể nhìn thấy. Người nào có thói quen liếc mắt nhìn người khác, hoặc lúc trò chuyện ánh mắt luôn lơ đễnh không cố định, không dám nhìn thẳng đối phương, kiểu người này thường thiếu sự chân thành.

* Thật giả xem môi miệng

Một người thành thật, đôn hậu hay không, từ môi miệng là có thể quan sát ra.

Bởi vì miệng là khí quan xuất nhập chủ yếu của thân thể người, người có đôi môi thuần hậu, đa số là người có đạo đức cao thượng, trung thực đáng tin. Trái lại người lắm mồm nát miệng, hay bàn lộng thị phi thì không nên tới thâm giao.

Tương tự, người có môi dày, phần lớn là người rộng rãi, hướng ngoại nhiệt tình; Người môi mỏng đa phần là người ăn nói khéo léo, “lá mặt lá trái” (hay thay lòng đổi dạ).

* Công danh nhìn khí khái

Tăng Quốc Phiên cho rằng, một người có thể có được công danh hay không, chủ yếu nhìn người này khí khái như thế nào. Khí khái là gì? Đó chính là khí chất, cốt cách của con người.

Trong một đám người không quen biết nhau, luôn có một người có thể nhanh chóng trở thành tiêu điểm chú ý. Bởi vì một người có khí khái, rất dễ khiến người khác tin phục. Kiểu này người, tự nhiên có thể nhất hô bách ứng, nghĩ thành đại sự, có được công danh, cũng thuận lý thành chương. Khí chất này được tích lũy qua năm tháng, ngưng đọng trên thân, không thể bắt chước mà có được.

* Phú quý nhìn tinh thần

Trong cuộc sống, có những người tinh thần luôn uể oải, mặt buồn rười rượi; kiểu người này, thường được mô tả là “khuôn mặt đau khổ”. Người có khuôn mặt khổ tướng này, rất khó đại phú đại quý. Trái lại, người phú quý, phần lớn là người có tinh thần phấn chấn, thân rộng thể béo.

Ngoài ra, phú quý cát tường không chỉ nằm ở chỗ tinh thần phấn chấn, mà còn ở chỗ chăm chỉ hướng lên. Một người luôn chăm chỉ hướng lên, ắt sẽ có tinh thần sung mãn, cho nên càng có khả năng thành tựu đại nghiệp, thu hoạch được phú quý cát tường.

* Chủ ý nhìn tay

Tăng Quốc Phiên cho rằng, một người có chủ kiến hay không, đều nên xem tay. Ông nói: “Những người có đường chỉ tay rõ ràng ở lòng bàn tay thì tâm định. Ngược lại, những người có đường chỉ tay nông và hỗn loạn, là người tâm loạn, hay thấp thỏm”.

Cái gọi là tâm định, chính là nội tâm có chủ kiến, gặp chuyện nguy nan không loạn, ngay thẳng rõ ràng.

Người có ngón tay thon dài, bàn tay mềm mại, đa số có ý chí kiên định, cho nên có thể thành tựu đại nghiệp.

* Sóng gió nhìn chân

Con người sống trên đời, sóng gió là khó tránh khỏi. Có người sống một đời trôi chảy, không sóng không gió, lại có người cuộc sống nhiều thăng trầm, biến đổi bất ngờ. Theo cách nhìn nhận của Tăng Quốc Phiên, một người có gặp sóng gió hay không, chủ yếu nhìn chân.

Chân dày, dài, ngay thẳng, phẳng là quý. Người như vậy đi lại bình ổn, không dễ bị ngã. Cổ nhân xem tướng ngựa cũng như vậy. Phần chân cần rộng rãi, trầm ổn, mạnh mẽ. Người như vậy sẽ thật thà, không dễ dao động, đi bước nào chắc bước ấy. Cho nên trong công việc và cuộc sống họ ít phạm sai sót, sóng gió cũng ít. Còn người bước chân không chắc chắn thì cả đời khó tránh khỏi tai ương.

* Nếu muốn biết quy củ, tất cả trong lời nói

Hai câu này không tính là thuật xem tướng, nhưng cũng được Tăng Quốc Phiên coi là cách dùng người, biết người trọng yếu. Muốn phán đoán một người làm việc có quy củ hay không, tư duy mạch lạc rõ ràng hay không, hãy ngôn ngữ biểu đạt của người ấy.

Nói chuyện lời ít mà ý nhiều, lại có thể đánh trúng chỗ quan trọng, điều đó nói lên rằng người này có chương pháp, có quy củ. Trái lại, nói năng lộn xộn, hỏi một đằng, trả lời một nẻo, thường là biểu hiện của tư duy hỗn loạn, không có trật tự.

Cổ nhân giảng “tướng tùy tâm sinh”. Vì vậy, tướng mạo của một người cũng có thể phản ánh ra tâm tính của người ấy. Bộ thuật xem tướng này của Tăng Quốc Phiên, nhìn qua ngắn ngủi chỉ 40 chữ, nhưng bao hàm nhiều phương diện: tướng mạo, hành động, ngôn ngữ… Nếu có thể hiểu rõ 40 chữ này, thì không khó để nhìn thấu người trong thiên hạ.

Vũ Dương.

Tin bài liên quan