Tìm hiểu tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ là gì?

Nói đến tín ngưỡng thờ Mẫu, người ta thường nhắc tới một loại hình tín ngưỡng rất độc đáo xuất phát từ đồng bằng Bắc bộ và lan tỏa khá phổ biến trên toàn quốc, đó là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ.

Vào thời kỳ đầu của tín ngưỡng Tam phủ thì quan niệm, “Tam phủ” vốn để chỉ ba miền Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ. Ba phủ này đều có vua cha và chư vị thần linh cai quản.

Tam phủ gồm:

Thiên phủ (màu xanh) là nơi các chư vị thần linh cai quản bầu trời ngự trị với người đứng đầu là Ngọc Hoàng thượng đế.

Địa phủ (màu vàng) là nơi chư vị thần linh cai quản vùng đất ngự trị, người đứng đầu là Diêm Vương.

Thủy phủ còn gọi là Thoải phủ (Màu trắng) do vua Bát Hải cùng chư vị quan thần cai quản miền sông nước.

 Về sau này, khi đạo Mẫu phát triển và có những biến đổi phù hợp với xã hội thì hầu hết mọi người khi nghe nói tới Tam phủ thường nghĩ tới 3 vị Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Tam tòa Thánh Mẫu gồm có: Thượng Thiên Thánh Mẫu (Thánh Mẫu đệ nhất) cai quản miền trời, Thượng Ngàn Thánh Mẫu (Thánh Mẫu đệ nhị) cai quản miền rừng núi và Mẫu Thoải Phủ (Thánh Mẫu đệ tam) cai quản vùng sông nước.

Tuy nhiên, Tam Phủ hay Tam Phủ Công Đồng còn có vua cha và chư vị quan thần được tôn thờ với trật tự chặt chẽ. Trật tự này thường được thể hiện rất rõ trong trật tự các giá hầu đồng. Điều này lý giải tại sao trong các bài văn khấn ta vẫn thấy khấn: “Con lạy Tam Phủ Công Đồng, Tứ phủ Vạn linh” ở đầu.

Còn Tứ Phủ thì sao?

Như đã nói ở trên, trong thời kỳ khởi nguyên, “Tam phủ” vốn là để chỉ ba miền Thiên Phủ, Địa Phủ và Thoải Phủ, lúc bấy giờ khái niệm Nhạc Phủ chưa có

Khái niệm Nhạc Phủ được ra đời gắn liền câu chuyện Mẫu Thượng Ngàn hiển linh giúp vua Lê Thái Tổ trong trận đánh Xương Giang, Chi Lăng. Chuyện dã sử truyền rằng, có một đàn đom đóm kết đèn dẫn đường trong đêm Lê Thái Tổ hành quân đánh trận Xương Giang, Chi Lăng giết chết Liễu Thăng. Khi ca khúc khải hoàn, ban thưởng công lộc cho tướng sĩ, sắc phong cho các vị linh thần âm phù xã tắc. Lê Thái Tổ không quên hình ảnh đàn đom đóm kết đèn dẫn đường. Trước ngày sắc phong ban thưởng nhà vua mộng thấy một quản chưởng mặc áo trắng nói rằng: "Ta là quản chưởng sơn lâm. Ta biến thành đom đóm dẫn đường cho nhà Vua giết giặc". Vua Lê Thái Tổ đã sắc phong bà là "Nhạc Phủ Lê Mại Đại Vương hiệu Viết Bạch Anh Chưởng Lâm Công Chúa". Từ đó nhạc Phủ ra đời chính thức hình thành Tứ Phủ

Lúc này Tứ phủ bao gồm :

Thiên phủ: Gồm các vị thần linh cai quản bầu trời, làm chủ các quyền mây mưa gió bão, sấm chớp.

Nhạc phủ: Gồm các vị thần linh trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.

Thủy Phủ: Gồm các vị thần linh trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp. 

Địa phủ: bao gồm các vị thần linh vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.

Nhưng khi nhắc tới Tứ Phủ, thì hầu hết mọi người thường chỉ nghĩ đến các Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu:

Thiên phủ (miền trời): Mẫu đệ nhất (mẫu Thượng Thiên) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp.

Nhạc phủ (miền rừng núi): Mẫu đệ nhị (mẫu Thượng Ngàn) trông coi miền rừng núi, ban phát của cải cho chúng sinh.

Thuỷ phủ (miền sông nước): Mẫu đệ tam (mẫu Thoải) trị vì các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

Địa phủ (miền đất): Mẫu đệ tứ (mẫu Địa Phủ) quản lí vùng đất đai, là nguồn gốc cho mọi sự sống.

Trong các đền, điện thờ Tứ phủ, tam toà thánh mẫu được xếp theo thứ tự:

- Mẫu đệ nhất: Mẫu Liễu

- Mẫu đệ nhị: Mẫu Thượng Ngàn

- Mẫu đệ tam: Mẫu Thoải.

Mẫu đệ tứ các đền thờ ít hơn và thường thờ nơi quàn các vong linh.

 

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 2006)

Tin bài liên quan