Khởi nguồn từ những truyền thuyết dân gian
Cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt Nam. Người Việt cổ tin rằng, con người gồm hai phần - hồn và xác. Khi mất đi, phần hồn còn tồn tại, tùy theo việc khi còn sống làm mà người mất sẽ được đầu thai kiếp khác hay bị đày xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường. Và cúng cô hồn từ đó mà xuất hiện.
Theo nhiều người, tín ngưỡng này được coi là một hành động nhân đạo, cứu giúp cho những linh hồn khốn khổ của người Việt. Trong năm, lễ cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch là lớn nhất, thường trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo. Theo quan niệm của nhiều gia đình Việt, việc cúng cô hồn không chỉ để khỏi bị quấy phá, mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận. Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội, để đỡ khổ cực, đau đớn…
Dưới góc độ Đạo giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Mỗi năm, Diêm Vương lại cho mở Quỷ môn quan từ ngày 2/7, để quỷ đói được trở lại cõi trần và đến rằm thì quay về bởi cửa địa ngục sẽ đóng.
Một chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thấy thì thấy một con ngạ quỷ (quỷ đói) người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên, thì ông cũng được tăng thọ”.
Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này nói với đức Phật. Phật bèn làm một bài chú đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa. Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung. Lễ cúng dần dần thành xá tội vong nhân – thể hiện lòng kính trọng, vị tha của người còn sống đối với những người đã khuất, dẫu cho những hành động quá khứ lỗi lầm xưa kia…
Cũng trong tháng 7, người ta thường truyền tai nhau về 18 điều cấm kỵ như: không để chuông gió trước đầu giường, đi đêm không được gọi tên thật, không được chụp ảnh buổi tối... Cũng không ít người quan niệm rằng tháng này đen đủi, không nên dựng nhà, sửa cửa, đám cưới…
Ngạ quỷ - nỗi kinh sợ trong tháng cô hồn
Trong số những cô hồn, ma quỷ hay phá quấy người dân, dân gian xưa thường xuyên nhắc tới ngạ quỷ (quỷ đói). Trong các thuyết Phật giáo, người ta cho rằng, ngạ quỷ là một dạng tái sinh khi con người chết đi, nếu làm nhiều việc tốt, chúng sẽ được đầu thai kiếp khác làm người. Ngược lại, nếu làm điều xấu, tùy theo các mức độ mà chúng sẽ bị đầy xuống địa ngục, nhẹ hơn thì đầu thai làm súc sinh và nhẹ nhất làm ngạ quỷ.
Tín ngưỡng dân gian cũng lưu truyền một sự tích khác về quỷ đói. Tương truyền có một gia đình nọ giàu có nhờ bán nước mía. Một hôm, có một nhà sư tới xin nước mía về để chữa bệnh. Người chồng đi vắng, dặn vợ ở nhà tiếp đãi nhà sư cẩn thận.
Nhưng bà vợ tham lam, keo kiệt đã lén đi tiểu vào bát của nhà sư, sau đó trộn chung với nước mía. Nhà sư tinh thông biết chuyện, đã đổ bát nước đi và bỏ về. Sau này, người vợ chết đi, do tội lỗi của mình nên bị đầu thai thành thứ quỷ luôn luôn đói khát, sống ở nơi bẩn thỉu, nhớp nhúa, gọi là quỷ đói.
Không nên kiêng kị trong tháng 7 âm lịch
Rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Xá tội vong nhân trùng với lễ Vu Lan, báo hiếu cha mẹ. Bản chất của ngày rằm này rất nhân bản, là lòng yêu thương con người với con người. Ngày có ý nghĩa mọi người tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và những người đã khuất. Lúc này, con người ta nên hướng tới yêu thương, đền ơn, đáp nghĩa và lòng từ bi thay vì tự mình đặt ra những điều “kiêng kị” không có sơ sở khoa học.
Khi tháng 7 âm lịch gõ cửa, nhiều người dân ta vẫn đồn đại nhau về “tháng cô hồn”, “tháng ma quỷ” thường xui xẻo và hay gặp vận hạn đen đủi. Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, có người thì được đầu thai khiếp khác hay có người thì bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian. Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Nhiều người quan niệm rằng tháng cô hồn chỉ nên ăn chay niệm Phật, kiêng làm những việc lớn như dựng vợ, gả chồng, mua nhà, tậu xe, đi xa, mua sắm quần áo... Trên các diễn đàn còn chia sẻ 18 điều không nên làm trong tháng này như không được đi ra đường khi đã khuya, không phơi quần áo vào ban đêm, không được ở một mình, không được réo tên nhau khi đi chơi ban đêm, không được thức quá khuya, không được đến gần những góc tường xó tối, đi ra đường không được ngoái lại phía sau, không chụp ảnh vào ban đêm…
Hoàn toàn khác với những quan niệm nêu trên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các cao tăng đều cho rằng, tháng nào cũng như nhau, nếu chúng ta sống bằng tâm, đức, không lừa lọc, dối trá thì không cần thiết phải lo lắng, sợ hãi. Mọi người cần sáng suốt nhìn nhận không nên quá kỹ tính kiêng khem, sinh mê tín bởi những quan niệm này chưa được bất kỳ khoa học nào chứng minh là đúng.
GS.TS Phạm Đức Dương, chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á chia sẻ rằng: "Ai cũng có thể có đức tin của mình song không nên sa đà vào mê tín. Nhiều khi chính sự sa đà quá mức sẽ khiến họ vuột mất cơ hội tốt, vận may một đi không trở lại".
Trao đổi với PV Thượng toạ Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: "Truyền thuyết dân gian có chuyện là từ mùng 2/7 (Âm lịch), Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Với câu chuyện truyền miệng đó, dân gian quan niệm rằng tháng Bảy là tháng ma quỷ hành hoành khắp nơi nên làm việc gì cũng không tốt. Tuy nhiên, Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này cũng như quan niệm về ngày tháng tốt - xấu. Nếu tâm sáng thì ngày nào cũng là ngày tốt. Kiêng kỵ là phản khoa học".
Lý giải về chuyện xưa nay dân gian thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt để cúng trong dịp này, Thượng tọa Thích Thanh Duệ cho rằng nguồn gốc sâu xa là do bị ảnh hưởng bởi khái niệm "Tết Quỷ" của Đạo giáo Trung Quốc. Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần. Ngày 15/7 Âm lịch là lễ Vu lan (báo hiếu cha, mẹ) của Phật giáo và khác hoàn toàn với "Tết Quỷ" của Trung Quốc. Theo tinh thần Phật giáo, tháng Bảy là tháng báo hiếu của những người con đối với ông bà cha mẹ còn sống hoặc đã khuất. Bước vào tháng Bảy thì các chùa thường lập đàn tụng kinh Vu lan để cầu siêu cho ông bà cha mẹ đã quá vãng, giúp cho họ được siêu thoát.
Đại đức Thích Thiện Hạnh, trụ trì chùa Vinh Phúc thì giải thích: "Dân gian kiêng kỵ tháng Bảy Âm lịch là "tháng Ngâu" nên không làm việc đại sự vì nó buồn quá và quan niệm tháng này là tháng chia ly, mất mát. Hơn nữa, đây là tháng Xá tội vong nhân... Nhiều người quan niệm tháng này chỉ chuyên tâm thờ cúng, cầu cho những người đã khuất, vì cả năm nếu đi chùa đã cầu cho người sống rồi. Như vậy, không làm bất kỳ điều gì trong tháng này cũng là do tâm lý, không có cơ sở khoa học. Phật học khuyên mọi người ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu. Xấu hay tốt là do quan niệm con người tự đặt ra".
Với những gì các nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín và các cao tăng đã lý giải, chuyện kiêng kỵ tháng Bảy Âm lịch vẫn chỉ là "thói quen" hay "tâm lý" mà thôi. Mà khi đã là thói quen, là tâm lý được hình thành trên cơ sở những lời đồn đại thì rất thiếu cơ sở khoa học. Trong tháng bảy có ngày lễ Vu Lan, là tháng báo hiếu của những người con đối với ông bà cha mẹ còn sống hoặc đã khuất. Lúc này, con người ta nên hướng tới yêu thương, đền ơn, đáp nghĩa và lòng từ bi thay vì tự mình đặt ra những điều “kiêng kị” không có sơ sở khoa học.