Nhiều người nghĩ: “Tôi không ăn thịt chó, vì tôi sợ ăn nhầm phải con chó đã giữ nhà cho người ta suốt nửa đời, sợ ăn nhầm phải bạn của một đứa trẻ nào đó...”. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất vẫn là vì chó là loài động vật biết trả ơn…
Ngày xưa, có 2 vợ chồng già chung sống với 2 người con trai cùng 2 cô con dâu. Họ có một cuộc sống giàu có và sung túc. Vợ chồng người anh thì giảo hoạt, xem trọng tiền của, tâm địa hung ác, còn vợ chồng người em thì hiền hậu chất phác. Sau khi cha mẹ qua đời, người anh cai quản gia đình còn người em không màng tiền tài, chỉ lo học.
Hai chị em dâu thay nhau nấu cơm làm việc nhà. Vợ người anh vừa keo kiệt vừa gian tham, khi đến lượt nấu cơm, chỉ nấu vừa đủ ăn, có lúc cơm thừa cũng không còn cho chó ăn, khiến nó phải chịu đói. Vợ người em hiền lành, mỗi lần nấu cơm đều ngon và chú chó cũng được ăn no. Cho nên, chú chó rất quý mến cô, mỗi lần nhìn thấy cô, nó đều vẫy đuôi mừng rỡ.
Hai vợ chồng lão địa chủ qua đời chẳng bao lâu, người anh sợ tốn tiền bèn không cho người em đi học. Vì vậy, người em u uất mà sinh bệnh, chẳng bao lâu thì qua đời. lúc đó, vợ người em đang mang thai, cô mong sao sinh được một đứa con trai để sau này nương tựa, và cũng có người nối dõi.
Hai vợ chồng người anh suy tính, nếu mà cô em dâu sinh con gái sẽ có thêm người làm khi nó lấy chồng mà không phải tốn nhiều tiền cưới hỏi; còn nếu sinh con trai, sau này phải cưới vợ cho nó , lại phải phân chia tài sản, điều này không thể được. Họ bèn tính kế để xử lí chuyện này.
Vợ người anh nghĩ ra chủ ý, dùng tiền mua chuộc bà mụ. Bà mụ thấy tiền tối mắt, quên cả đạo nghĩa liền bằng lòng.
Lúc bấy giờ, con chó cũng đang có mang. Nó nghe được hết những lời của vợ người anh với bà mụ.
Nói ra cũng lạ, chó sinh con được 2 ngày thì vợ người em cũng sinh được một bé trai. Bà mụ dùng bông gòn nhét vào miệng đứa bé rồi la lên là đứa bé đã chết. Bà ta lấy cỏ bọc đứa bé, mang ra bỏ ở ngọn núi phía sau.
Chó biết được chuyện, liền lén theo sau, nhìn thấy bà mụ vất đứa bé xong bỏ đi, chó liền chạy tới, dùng chân bới cỏ, dùng mõm ngậm lấy bông gòn trong miệng đứa bé ra. Đứa bé mạng lớn, nó dần tỉnh lại, cất tiếng khóc. Chó vội cho đứa bé bú sữa, đứa bé bú no liền ngủ.
Chó dùng cỏ phủ lên rồi chạy về nhà cho con mình bú. Do vợ người em đang ở cữ, vợ người anh nấu cơm không nhiều nên chó ăn không no, lại còn phải chạy đi chạy về hai nơi. Khổ không kể xiết nhưng nó vẫn kiên trì.
Vợ người em vừa đầy tháng, nhà mẹ ruột liền đến đón về cho khuây khoả. Chó cũng theo sau, khi đến gần chỗ đứa bé, nó liền nhảy lên xe cắn lấy áo vợ người em kéo xuống, nó nhảy lên nhảy xuống mấy lần. Vợ người em không biết chuyện gì bèn xuống xe, chó vừa chạy phía trước vừa quay đầu lại, dẫn đến chỗ có đứa bé. Dở cỏ lên, cô liền thấy một đứa bé trần truồng. Cô vội bế đứa trẻ lện hỏi: “Đây là con của ta à?”.
Chó hướng xuống đất gục gục đầu, vẫy đuôi vui mừng. Cô lại hỏi có chuyện gì? chó bèn ngậm mớ bông gòn đến, làm điệu bộ cho đứa bé bú như thế nào, bảo vệ đứa bé như thế nào. Cô cảm kích liền quỳ xuống khấu đầu trước chó.
Sau đó, cô bế con đến nha môn dâng cáo trạng kêu oan.
Lại nói về hai vợ chồng người con lớn, thấy cô em dâu về nhà mẹ đẻ liền vui mừng ra mặt, nghĩ rằng đã chiếm được toàn bộ gia sản. Đúng lúc đang cao hứng nhất, sai dịch của nha môn bỗng ập vào, tóm cổ cả hai vợ chồng cùng bà mụ áp giải lên xe tù.
Đến công đường, bà mụ sợ bị đánh bèn khai hết, chó cũng xuất hiện tại công đường làm chứng. Hai vợ chồng người anh và bà mụ bị trị tội. Tài sản được phán xử giao về cho vợ người em. Từ đó, vợ người em đối đãi với chó như người thân mãi cho đến khi nó qua đời vì tuổi già.
–**–
Chó là loài đông vật trung thành và giàu tình cảm. Câu chuyện về chú chó trả ơn trên đây có lẽ sẽ khiến nhiều người phải nghĩ thêm rằng: Có nên ăn thịt chó nữa hay không?
Theo Chương Hưng