Ngày rằm xá tội vong nhân trong ‘tháng cô hồn’ rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Ngày rằm xá tội vong nhân trong ‘tháng cô hồn’ rốt cuộc có ý nghĩa gì?

“… cái mưa gì mà buồn không chịu được! Nó lai rai như muốn cứa vào thần kinh ta, nó tạnh một lát rồi lại mưa, mưa đều trên mái nhà, mưa đều trên bụi cây đồi cỏ, có lúc im phăng phắc nhưng có lúc lại trút xuống rào rào, rồi lại mưa đều đều, và cứ mưa như thế hết ngày ấy sang ngày khác hết đêm nọ sang đêm kia, chán không để đâu cho hết, mà rầu rĩ trong lòng không biết bao nhiêu” (“Thương nhớ mười hai” – Vũ Bằng).

Tháng 7 ta về, lòng người lại mênh mang đượm buồn theo cái sụt sùi của trời đất. Người xưa nói “Thiên nhân hợp nhất”, có lẽ vì thế mà trong cái tháng trời đất khóc thương này, người ta làm lễ Xá tội vong nhân.

Riêng tôi thì thấy tháng 7 không hẳn đã đáng buồn, bởi lẽ xưa nay, con người chỉ có thể hiểu được niềm vui sau khi trải qua nỗi buồn, và hiểu được lẽ sống từ kinh qua sự chết.

Nỗi bi thương trải dài từ dương gian đến cõi vô hình gợi nhắc ta về ý nghĩa kiếp nhân sinh

Thật tình, trải qua những ngày tháng 7 thê lương mịt mù gió mưa ảm đạm, người ta mới yêu hơn những ngày tháng 8 nắng vàng ươm như rót mật. Thiên nhiên khéo vẽ bức tranh tương phản giúp cái buồn càng buồn, cái vui lại càng vui hơn, như câu ca dao:

“Mưa tháng bảy gãy cành trám,

Nắng tháng tám rám quả bưởi”

Và có trông thấy, có cảm thấy những mảnh linh hồn bơ vơ lạc loài trong một thời không khác, ta mới thấu hiểu ý nghĩa và sự trân quý của sinh mệnh con người. Cụ Nguyễn Du xưa đã mang cái bi thương từ dương gian đến âm phủ gói vào mấy vần thơ “Văn tế thập loại chúng sinh”.

“Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào là chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh,

Thương thay thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”.

“Thập loại chúng sinh” ấy là ước lệ cho muôn vạn kiếp người, dù khi sống “màn loan trướng huệ”, “mũ cao áo rộng” oanh liệt, hay sa cơ thất thế, tù ngục oan khiên…, thì chết đi chỉ còn là những u hồn không nơi nương tựa. Cụ Tiên Điền không khỏi cảm thán xót xa:

“Còn chi ai quý ai hèn,

Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?”

Và:

“Sống thời tiền chảy bạc ròng,

Thác không đem được một đồng nào đi”.

Một khi đã lìa giã cõi đời, thì hết thảy công danh lợi lộc, ân oán tình thù đều chỉ còn như mây khói.

Ấy thế nhưng, lẽ thường những người đang sống đều ngỡ như mình chẳng bao giờ chết. Thời nay, người ta tự trói mình vào “vô Thần luận”, cái gì không tận mắt thấy thì không tin, nên lại càng thiêu rụi cuộc đời mình trong danh – lợi – tình mà không lo tìm đường giải thoát. Nhưng ngay cả trong cái thời vô Thần luận lên ngôi, cái thời nhân danh khoa học phủ định tín ngưỡng, cái trực cảm sâu xa của hồn người không mất, nên Vũ Bằng mới viết ra những dòng văn như thế này:

Ấy là bởi vì mặc dầu đã bị tiêm nhiễm văn minh Hy Lạp, La-tinh, mặc dầu khoa học thét vào tai tôi rằng tin tưởng như thế là hủ bại, tôi vẫn không thể nào tẩy não được mà vẫn cứ “ngoan cố” tin rằng ngoài cái thế giới chúng ta đang sống hiện nay, còn một thế giới u huyền khác mà loài người chưa cứu xét được đến nơi đến chốn nhưng bởi vì “muốn cho xong chuyện” nên kết luận toạc ngay là “dị đoan” (“Thương nhớ mười hai” – Vũ Bằng).

Nguồn gốc lễ Xá tội vong nhân

Vì trong tâm thức dân gian, thế giới vô hình vẫn luôn tồn tại, nên ngày rằm Xá tội vong nhân vẫn còn giữ đến hôm nay. Thực ra, phong tục cúng quảy và hồi hướng phước cho thân nhân đã có từ thời Đức Phật (thế kỷ thứ sáu trước công nguyên) và được khuyến khích trong cộng đồng những người tin vào nhân quả nghiệp báo và sinh tử luân hồi trong những cảnh giới khác nhau. Sau khi đạo Phật truyền vào Việt Nam, trong sự tương giao với văn hoá bản địa cúng giỗ và thờ phụng tổ tiên, phong tục cúng quảy và hồi hướng phước cho người thân đã khuất được lưu truyền rộng rãi ở nước ta và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Vào thời Đức Phật còn tại thế, một hôm vua Bình Sa Vương (Bimbisara) nằm mộng thấy những chúng sinh đói khổ rách rưới đeo bám vào tường thành kêu khóc thảm thiết. Vốn là người giàu lòng từ bi, nhà vua rất xúc động và thỉnh giáo Đức Phật xem họ là ai và phải làm gì để cho họ bớt khổ? Đức Phật cho nhà vua biết các chúng sinh đó là những thân bằng, quyến thuộc của vua trong quá khứ xa xôi.

Họ do vì kém duyên phước, khi sống chỉ biết tranh giành hơn thua, vun vén cho bản thân để sống qua ngày mà không biết làm phước, không được học đạo và không sống có đạo, không biết chia sẻ, không biết quan tâm đến tha nhân, v.v. nên sau khi thân hoại mạng chung ở cảnh giới con người, phải thọ sinh vào những cảnh giới đau khổ.

Những chúng sinh xuất hiện trong giấc mơ của đức vua đã bị kẹt trong cảnh giới đó nhiều trăm năm, nhiều triệu năm, từ thời đức Phật Ca Diếp và cho đến khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên thế gian, họ mới có cơ hội được tạm thời xuất hiện. Cũng vì nhân duyên một thân bằng quyến thuộc trong quá khứ của họ nay là đức vua Bình Sa Vương là người biết đạo và có khả năng làm phước hồi hướng công đức cho họ, nên họ xuất hiện cho ông biết để xin cứu giúp.

Đức Phật với tâm đại bi chiếu cái nhìn thanh tịnh vào nhân gian và thấy rằng các thân bằng quyến thuộc đã quá vãng thường đến nhà thân nhân. Họ đứng tựa vách hay ngoài cửa, đứng ở ngã ba đường hay ở cổng thành, mong mỏi người thân của họ nhận ra và làm phước nhân danh họ để họ có động lực vượt thoát khổ cảnh.

Dựa vào người, chi bằng hãy dựa vào bản thân mình

Tuy rằng phước đức do người thân hồi hướng cho có thể khởi phần nào tác dụng, nhưng trong dòng xoáy bất tận của luân hồi, nghiệp lực do ai gây ra thì chính người đó phải hoàn trả, làm ác đoạ vào đường ác, làm thiện thăng lên cõi lành. Vậy nên, phải chăng mỗi một người còn sống nên nhìn vào các vong hồn khốn khổ mà biết sợ, biết tự chuẩn bị cho ngày sau.

“Chuẩn bị” ở đây không phải là xây cất lăng tẩm nguy nga, hay nhắn nhủ cháu con đốt vàng mã nhà lầu xe hơi để nhận lại nơi suối vàng. Mà là sự chuẩn bị sáng suốt sau khi thấu triệt quy luật nhân quả luân hồi, chuẩn bị phước lành từ những việc làm thiện, lời nói thiện và ý nghĩ thiện. Người xưa nói: “Tích đức hành thiện”, không phải là triết lý suông, mà quả thật là cách chuẩn bị vững chắc nhất cho tương lai vậy.

Thanh Ngọc.

Tin bài liên quan