Câu chuyện xưa cho thấy vận mệnh đời người biểu hiện phần nhiều qua tướng mạo

Câu chuyện xưa cho thấy vận mệnh đời người biểu hiện phần nhiều qua tướng mạo

Vận mệnh của đời người thường có những biểu hiện rõ ràng qua tướng mạo bên ngoài. Chỉ cần quan sát một chút, thì có thể biết được tương lai của một người tốt xấu ra sao.

Giai thoại về cách ngủ

Vào thời nhà Đường, có một người tên là Lý Kiểu, tướng người thanh quý nhưng tẻ lạnh, thân hình lại nhỏ bé, năm anh em đều có tướng cách như vậy và không ai sống quá 30 tuổi.

Đến khi Lý Kiểu trưởng thành, bà mẹ rất lo lắng, bèn mời tướng thuật gia đệ nhất đời Đường là Viên Thiên Cương tới xem tướng cho Kiểu. Thiên Cương xem kỹ, nói với mẹ Kiểu rằng: “Lệnh lang tuy tinh thần thanh tú nhưng khí chất quá tẻ lạnh sợ rằng không thể sống lâu”.

Bà mẹ rất buồn nhưng vẫn cố nài ông thầy tướng ở lại nhà mình để tìm xem có điểm gì trên tướng cách của Kiểu, khiến Kiểu thoát khỏi vết xe của mấy người anh, để khỏi uổng phí một đời tài hoa hay không.

Thiên Cương mủi lòng trước lời cầu khẩn của bà mẹ, nên đồng ý ở lại để quan sát ngôn ngữ, cử chỉ của Kiểu xem sao.

Một hôm, lúc Thiên Cương đi ngủ thì Lý Kiểu vẫn còn thức. Đến canh ba Thiên Cương tỉnh giấc thì Kiểu đã ngủ nhưng không nghe thấy hơi thở, tựa hồ như khí đã tuyệt. Thiên Cương mới đầu rất kinh ngạc nhưng quan sát thật kỹ lưỡng thì mới phát hiện ra rằng Lý Kiểu ngủ mà hơi thở hầu như thoát ra bằng lỗ tai hơn là lỗ mũi, sách tướng gọi đó là Quy tức, nghĩa là rùa thở.

Sáng ra, Viên Thiên Cương nói với bà mẹ của Kiểu rằng: “Xét kỹ tướng của lệnh lang nay mới biết rằng có tướng Quy tức, tất sẽ đại quý và trường thọ nhưng người hay bị bệnh và không được giàu có”.

Sau quả nhiên, dưới thời Võ Tắc Thiên xưng đế, Lý Kiểu làm đến chức tể tướng mà nhà vẫn không mấy dư dật.

 

Giai thoại về nốt ruồi

Đời Thần Tông nhà Minh, tại Quảng Châu có một vị Trạng nguyên tên là Đáo Trạch, tình cờ mang họ kép là Trần Từ, hiện nay tại làng Phán Đường vẫn còn đền thờ.

 

Theo truyền thuyết, Đáo Trạch vốn họ Trần, từ lúc sinh ra trên ngực đã có 7 nốt ruồi son. Gia đình Đáo Trạch rất nghèo, cha là Trần Tấn Tài sinh sống bằng nghề nông. Lúc Trần Đáo Trạch lên 4 tuổi, một hôm theo cha ra đồng thăm ruộng, bị một kẻ bất lương trong họ là Trần Tương lén dẫn đi bán cho một phú hộ trong vùng là Từ Tử Lỗ.

Tử Lỗ là một cự phú, nhưng đến đời ông ta không may hiếm con trai, có rất nhiều thê thiếp mà vẫn chỉ sinh gái. Tử Lỗ đang lúc sầu muộn thi thấy Trần Đáo mặt mày khôi ngô, trên ngực lại có 7 nốt ruồi son, gọi là thất tinh tụ hội, là tướng cực quý, nên vô cùng mừng rỡ, nhận ngay làm con và đổi thành họ Từ.

Lớn lên, Đáo Trạch được cha nuôi cưng như trứng mỏng, đón danh sư về nhà dạy học, lại nuôi riêng một tiểu đồng tên là Trần Quang để sớm tối hầu hạ Đáo Trạch cho chu đáo. Nhờ trời phú tính thông minh, năm 20 tuổi đậu cử nhân rồi chuẩn bị vào Bắc Kinh thi đình.

Một hôm Đáo Trạch tắm rửa, tiểu đồng Trần Quang được sai kỳ cọ cho thiếu chủ, Trần Quang thấy trên ngực Đáo Trạch có 7 nốt ruồi thì lấy làm kỳ dị và ghi nhớ mãi. Khi Đáo Trạch chuẩn bị vào kinh ứng thí, Trần Quang được dịp nghỉ, về nhà thăm cha mẹ.

Có một điều rất tình cờ, Trần Quang lại chính là con Trần Tấn Tài, vì nhà nghèo nên phải đi làm tôi tớ cho người. Khi về đến nhà, Trần Quang thuật lại chuyên thiếu chủ của mình cho mẹ nghe. Bà mẹ nghe nói, nhớ lại đứa con thất lạc từ thuở thơ ấu, bất giác mủi lòng khóc rống lên.

Trần Quang hỏi mẹ cớ sự thì được mẹ cho biết: cách đó 16 năm, anh ruột của Quang cũng có 7 nốt ruồi son trên ngực bỗng nhiên biệt tích, nên nay nghe chuyện bà ta nhớ đến còn mà khóc.

Trần Quang nói: “Có lẽ thiếu chủ là anh con chăng? Con nghe người lão bộc nói rằng thiếu chủ không phải là con đẻ của ông chủ. Lúc ông chủ mang về nuôi, thiếu chủ được 4 tuổi. Bây giờ thiếu chủ vừa đúng 20, như thế rất hợp với thời gian anh con mất tích“.

Người cha nghe con nói vậy thì hỏi thêm: “Thật vậy à? Mày có biết ai đem bán thiếu chủ cho họ Từ không?”

Trần Quang đáp: “Con không rõ, nhưng hỏi lão bộc thì có thể biết dược. Ngày mai thiếu chủ vào kinh ứng thi, lão bộc cũng đi theo, để rồi con sẽ hỏi ông ấy xem sao”.

Hôm sau, Trần Quang trở về nhà nói cho cha mẹ biết là nhân dịp thầy trò đi xa, hắn làm bộ mời lão bộc ăn uống để tạm biệt và lợi dụng dịp lão bộc say rượu hắn đã hỏi về lý lịch của thiếu chủ, lão bộc tiết lộ rằng Đáo Trạch chính là con đẻ của Trần Tấn Tài và bị Trần Tương dụ di bán cho họ Từ hồi mới 4 tuổi.

Trần Tấn Tài nghe xong, đem chuyện thưa lại với các kỳ lão trong làng, bắt Trần Tương tra khảo thực hư thì người này thú nhận mọi việc đúng như lão bộc nói.

Nói về Đáo Trạch vào kinh ứng thí liền trúng Tam trường, đến kỳ yết danh được chấm đậu Trạng nguyên và được Minh Thần Tông tuyển làm Phò mã ban cho cờ hiển vinh quy. Nghe tin con vinh hoa phú quý về làng, họ Từ vô cùng mừng rỡ, dựng nhà rạp, trưng cờ xí, bày thành đội ngũ đi đón. Họ Trần cũng tập họp người trong họ đi đón, nhưng không tiết lộ gì cho phe họ Từ biết việc Trần Tấn Tài đã nhận ra Đáo Trạch là con mình.

Khi tân Trạng nguyên về đến Quảng Châu, cả hai họ đều tranh nhau nhận người. Rốt cuộc, việc phải đưa đến ông Tổng đốc tỉnh Quảng Đông để nhờ phân xử. Sau khi biết rõ ngọn ngành, Tổng đối Quảng Đông bên đề nghị hai họ nên nhận Đáo Trạch làm con chung, sau này Đáo Trạch và công chúa khi sinh con ra thì đứa đầu lòng mang họ Trần, đứa thứ nhì họ Từ, còn Trạng nguyên thì mang tên cả hai họ.

Giải pháp này được cả hai họ đồng ý. Thế là từ đó, Đáo Trạch mang họ kép là Trần Từ. về sau con cháu hai họ Trần, Từ đều quý hiển, giàu có nên góp tiền chung xây một ngôi đền thờ nguy nga tráng lệ để kỷ niệm ông tổ chung. Cái quý tông của 7 nốt ruồi son ở trước ngực là như vậy.

Tin bài liên quan