Gia Cát Lượng xem sao biết trước số mệnh của các anh hùng

Vận mệnh đời người bao gồm; sống chết, được mất, vui buồn, hợp tan; lớn nữa thì liên quan đến quyết sách của một quốc gia. Ví như, chuyện Lưu Bị xưng Đế, Ngô – Thục liên minh, hỏa thiêu Xích Bích; cho đến cái chết của những nhân vật phong vân như: Tào Tháo, Chu Du, Quan Vũ…, trên bầu trời đều có triển hiện tướng tinh.

Qua đó cho thấy, sự thần kỳ của thuật chiêm tinh càng làm tăng thêm sắc thái thần bí cho vận mệnh của quần hùng trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Gia Cát Lượng dựa vào sự đối ứng của các vì tinh tú với vận mệnh của con người, mà đoán biết được vận mệnh của họ.

Gia cát Khổng Minh biết trước cái chết của Chu Du, Lỗ Túc thống lĩnh Đông Ngô

Lại nói chuyện Gia Cát Lượng ở Kinh Châu, ban đêm quan sát thiên tượng, thấy tướng tinh rơi xuống. Ông nói: “Chu Du chết rồi!”. Đến sáng, ông đem việc mình quan sát được nói cho Lưu Bị. Lưu Sứ Quân bèn cho người đi thám thính xem thực hư ra sao? Quả nhiên nhận được tin báo về: Chu Du đã qua đời! Lưu Bị hỏi Gia Cát Lượng: “Chu Du đã chết! Giờ đây chúng ta cần phải làm gì?”. Gia Cát tiên sinh nói: “Người thống lãnh binh sĩ thay Chu Du, nhất định là Lỗ Túc!”. Vốn dĩ Khổng Minh đã quan sát thấy tướng tinh trên trời tụ tập ở phía Đông. Cho nên ông muốn mượn cớ viếng tang Chu Du, mà đến Giang Đông một chuyến. Mục đích chính là để chiêu hiền nạp sĩ phò tá Lưu Sứ Quân.

Thời bấy giờ không không có những phương tiện thông tấn tức thời như bây giờ như: điện thoại, điện tín, vv… Cho nên muốn nhận được tin báo thì chỉ có kị mã chạy cả nghìn dặm xa xôi; dăm hôm bảy bữa mới tới nơi. Ấy thế mà, Gia Cát Lượng thông qua sự biến hóa của thiên tượng đã dự đoán chính xác cái chết của Chu Du, hơn nữa còn biết được Lỗ Túc sẽ là người kế vị. Trước khi chết, Chu Du đã viết một lá thư để lại cho Tôn Quyền, tiến cử Lỗ Túc vốn là người cẩn thận trong mọi chuyện, đảm nhiệm trọng trách thay mình. Việc này là tối cẩn mật, chỉ có Tôn Quyền và Chu Du biết, vậy mà Gia Cát Lượng cũng đã biết thông qua điềm báo của Thiên tượng.

Thấy trước hung hiểm của tướng soái, Khổng Minh khóc Bàng Thống

Hào kiệt Bành Dạng khi ở đất Thục, vì lời nói thẳng thắn đã mạo phạm Lưu Chương. Vì thế bị Lưu Chương giáng chức làm  lao dịch, phải chịu hình phạt “Khôn kiềm” (cạo hết râu tóc, đeo gông xích). Đến lúc mãn hạn thì râu tóc trở nên ngắn củn. Khi đến ông Phù Thành (tức thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), nhờ có Bàng Thống và Pháp Chính giới thiệu, đã may mắn gặp được Lưu Sứ Quân. Khi ấy, Lưu Bị đang có ý muốn chiếm lấy Lạc Thành. Thấy vậy, Bành Dạng nhắc nhở Lưu Bị rằng: “Chắc chúa công chưa xem xét địa lý! Nay chúng ta hạ trại ở chỗ đất thấp hơn mặt sông Phù Giang, nếu địch tháo nước rồi chặn binh hai đầu thì e rằng quân ta không còn đường chạy thoát. Bành Dạng lại nói: “Tôi quan sát thiên tượng, thấy sao Thiên Cang ở phía Tây. Trong khi sao Thái Bạch lại chiếu đến nơi này, thế nên sẽ có chuyện không may. Mong Sứ Quân hành sự thận trọng!”. 

Nghe xong, Lưu Bị bái tạ Bành Dạng rồi cấp báo Hoàng Trung, Ngụy Diên tức tốc đề phòng địch có thể tháo nước. Hai tướng Hoàng, Ngụy nhận được lệnh bèn luôn thay nhau tuần phòng cẩn mật. Ðêm hôm đó, nhân lúc trời mưa to, từ Lãnh Bào bèn cho quân đi tháo nước. Bỗng nhiên nghe tiếng quân địch hò reo, biết là quân Kinh Châu đã đề phòng. Việc lớn bất thành, Lãnh Bào cho quân rút về nhưng đã bị Ngụy Diên, Hoàng Trung vây hãm và bắt sống mang về.

Quân Thục đã chiếm được ưu thế, nhưng trong khi Lưu Bị mở yến tiệc khoản đãi Bành Dạng, lại có người mang thư của Gia Cát Lượng từ Kinh Châu đến. Trong thư đại ý nói: “Tôi xem đẩu số Thái Ất, thấy năm nay Cang Tinh đóng ở phương Tây; xem thiên văn lại thấy Thái Bạch đi vào khu Lạc Thành. Tôi e bổn mạng các tướng soái lành ít dữ nhiều. Kính xin chúa công hết sức thận trọng!”. 

Bấy giờ quân sư bên cạnh Lưu Bị là Bàng Thống. Thấy Không Minh dâng thư, nói điều bất lợi. Thống nghĩ thầm: ‘Khổng Minh sợ mình lấy được Tây Xuyên, một mình lập công lớn. Cho nên cố ý viết lá thư này để cản đường thăng tiến của mình”. Nghĩ vậy, Bàng Thống liền thưa với Lưu Bị: “Thống này cũng biết xem đẩu số Thái Ất, biết Cang Tinh về phương Tây, ứng việc chúa công sẽ lấy được Tây Xuyên. Còn Thái Bạch lâm chiếu Lạc Thành, thì ta vừa giết Lãnh Bào, điềm xấu đã ứng vào kẻ địch rồi. Xin chúa công chớ bỏ lỡ dịp may hiếm có này!”.

Bàng Thống khuyên Lưu Bị chớ có đa nghi, hãy mau chóng tiến binh nhập Xuyên. Ban đầu Lưu Bị lưỡng lự không theo, nhưng Thống nhiều lần thúc dục. Cuối cùng Lưu Bị cũng ưng thuận tiến binh nhập Xuyên. Nhưng thật không may trên đường tiến quân vào Tây Xuyên, Bàng Thống đã bị loạn tiễn bắn chết và bỏ mạng ở gò Lạc Phượng. Quân nhà Thục Hán tổn thất nặng nề.

Gia Cát Lượng ở Kinh Châu, đúng vào ngày lễ Thất tịch, đang thiết yến chiêu đãi các quan viên. Trong lúc yến ẩm vui vẻ, chợt thấy phương Tây, một ngôi sao lớn sa xuống, ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt. Không Minh tay run rẩy, rớt chén rượu xuống đất, mà than khóc: “Đau đớn thay! Xót xa lắm thay!”

Các văn võ quan còn đang kinh ngạc, hoảng hốt, không hay đã xảy ra chuyện chi, mà Quân sư lại khóc lóc thảm thiết đến như vậy? Bấy giờ Khổng Minh nói: “Ta nhìn thấy tướng tinh phía Tây rớt xuống, tánh mạng Bàng quân sư nguy rồi!”

Ít lâu sau, Khi đang bàn việc với Quan Vũ. Quan Bình đã về đến, báo tin và dâng thư của Lưu Bị, rằng Bàng Thống đã tử trận,

Quan Vũ và Trương Phi gặp đại nạn

Lại nói chuyện, Hai cha con Quan Vũ thua chạy đến Mạch Thành và bị quân của Tôn Quyền bắt được. Vốn dĩ Quan Vân Trường đã kết nghĩa huynh đệ với Lưu Bị và Trương Phi ở vườn đào. Ba người đã thề cùng nhau phò trợ nhà Hán. Vậy nên Quan Vũ kiên quyết không chịu quy hàng Tôn Quyền. Biết Quan Vũ là hào kiệt trong đời, Tôn Quyền rất quý mến ông, có ý dùng lễ đối đãi, hy vọng Quan Vũ hồi tâm chuyển ý. Thế nhưng, Tả Hàm cho rằng điều này không thể được. Bởi lẽ, trước đó Tào Tháo vừa được Quan Vũ đã phong Hàm tứ phẩm, ba ngày tiệc nhỏ, bảy ngày tiệc lớn mà còn không giữ được. Nay Quan Vũ đã rơi vào tay, nếu không trừ đi, e rằng sẽ sinh hậu họa. Tôn Quyền làm thinh một lát, rồi sai dẫn cha con Quan Công ra pháp trường hành quyết!

Gia Cát Lượng ban đêm xem thiên tượng, nhìn thấy tướng tinh rơi xuống vùng đất Kinh Sở, ông biết Quan Vũ đã gặp đại nạn và bị giết hại rồi. Hôm ấy, Lưu Bị đang nằm thì thấy da thịt cứ giật hoài không thôi, đứng ngồi không yên, bèn dậy thắp đèn xem sách. Lát sau, vì quá mỏi mệt liền ngủ thiếp đi. Bỗng đâu có luồng gió lạnh thổi đến, khiến ông rùng mình. Trong lúc mơ màng Lưu Bị trông thấy một người thấp thoáng dưới ánh đèn, nhìn kỹ thì thấy Quan Vũ đang cố ý né tránh. Bị lấy làm lạ, cất tiếng hỏi: “Hiền đệ! Ta với hiền đệ tình như thủ túc. Cớ chi hiền đệ lại né tránh không gặp mặt? Vân Trường khóc nói: “Đại ca hãy báo thù cho đệ!” Nói đoạn, liền biến mất…..”. Lưu Bị giật mình tỉnh dậy mới hay đó chỉ là giấc mơ. Ông vội đi đến trước điện, cho người mời Gia Cát Lượng đến giải mộng cho ông. Gia Cát Lượng biết rõ chuyện gì đã xảy ra, như vì lo lắng Lưu Bị đau buồn quá đỗi, không dám tiết lộ sự thật. 

Cố nhiên cái kim trong bọc cũng không thể che dấu mãi. Sau khi hay tin Quan vũ bị Tôn Quyền sát hại, Lưu Bị bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên can của bá quan trong triều. Ông khăng khăng ngự giá thân chinh thảo phạt Đông Ngô để rửa sạch mối hận trong lòng. Một đêm nọ, Lưu Bị đột nhiên vô cớ lo sợ, nằm ngủ mà cảm thấy bất an, bèn đi ra màn trướng, ngẩng đầu nhìn lên Trời. Lưu bị trông thấy hướng Tây Bắc có ngôi sao lớn như cái đấu từ trời sa xuống. Lưu Bị lo sợ, liền cho người đi hỏi Gia Cát Lượng xem đây là điềm báo gì. Gia Cát Lượng nghe xong hồi tấu rằng: “Sẽ hao tổn một viên đại tướng, nội trong ba ngày, ắt có tin truyền về”. 

Nghe Quân sư nói vậy, Lưu Bị án binh bất động. Đúng ba ngày sau, liền có hầu cận đến báo, nói rằng có người ở chỗ Trương Phi đưa tới một phong thư. Lưu Bị xem xong, hay tin tam đệ – Trương Phi cũng đã bị sát hại. Lưu Bị đau đớn khóc rống lên, lăn ra bất tỉnh nhân sự. Ngự y đến cấp cứu hồi lâu Lưu Bị mới hồi tỉnh lại. 

Diễn biến tiếp theo của câu truyện như thế nào thì chúng ta đã rõ!

Gia Cát Lượng biết mình đã tận số

Sau khi Lưu Bị băng hà, Gia Cát Lượng vẫn một lòng cúc cung tận tụy phò trợ ấu chúa Lưu Thiện. Khi đóng quân ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý chỉ cố thủ mà không ra nghênh chiến. Khiến cho quân Thục lâu ngày hao tổn binh lực, lương thảo cạn kiệt, Gia Cát Lượng vì thế mà lao tâm sinh bệnh. Một đêm khi ra khỏi trướng quan sát thiên tượng. Trông thấy tinh tượng biến hóa, Khổng Min bỗng kinh hoảng nói với Khương Duy rằng: “Mạng ta chỉ còn nội trong sớm tối mà thôi!”. 

Khương Duy nghe xong bàng hoàng, khuyên Tướng gia lập đàn cầu thọ mệnh. Khổng Minh đáp: “Ta muốn cầu, ngặt chưa rõ ý trời! Vậy hãy dẫn giáp sĩ 49 người cầm cờ đen, áo đen, đứng ngoài trướng, để ta ở trong nguyện cầu. Nếu trong bảy ngày mà ngọn đèn chủ không tắt, ắt ta song thêm một kỷ (12 năm) nữa”. Khương Duy vâng lời ra ngoài lo sắm sửa như lời Khổng Minh đã dặn. Kể từ đó, Khổng cứ ban ngày luận việc binh cơ, ban đêm cầu đạo khẩn xin Thần linh ban thêm thọ mệnh. 

Về phần Tư Mã Ý biết mình không phải là đối thủ của Khổng Minh. Tuy nhiên cũng không phải dạng tầm thường, ban đêm quan sát thiên tượng, thấy tướng tinh của Khổng Minh bị thất vị thì cả mừng. Tư Mã Ý bèn nói với Hạ Hầu Bá rằng: “Hãy dẫn một đạo binh qua Ngũ Thượng Nguyên, nếu thấy quân Thục lộn xộn không dám rượt đánh, thì ấy là Khổng Minh đang trọng bệnh, ta sẽ tấn công”

Lại nói về Gia Cát Lượng, đã qua 7 ngày rồi mà ngọn đèn bổn mạng vẫn tỏ rạng thì cả mừng. Bỗng nhiên bên ngoài có tiếng la ó ầm ĩ, Ngụy Diên nhất quyết xông vào chướng báo tin có quân Ngụy kéo đến. Ngụy Diên hớt ha ha hớt hải, chẳng may  làm đổ tắt ngọn đèn chủ. Khổng Minh lặng người, quăng gươm xuống đất mà than rằng: “Sống chết có số, không sao cầu được!”.

Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, biết mạng mình đã hết, bèn an bài hàng loạt sự việc về sau. Ông trao cho Dương Nghi một cẩm nang và nói: “Hễ ta không còn, Ngụy Diên ắt phản! Vậy cứ để nó phản, chừng đối trận sẽ giở cẩm nang mà làm theo kế sách, sẽ có kẻ giết nó”. Nói đoạn, Khổng Minh cho người dìu ông ra ngoài trướng, ngửa mặt nhìn sao Bắc Đẩu, chỉ vào một ngôi sao nói: “Kia là tướng tinh của ta đó!”. Mọi người nhìn theo hướng tay ông chỉ, thấy ngôi sao tướng tinh kia ánh sáng u ám, lung lay sắp rụng. Khổng Minh lại dặn Dương Nghi: “Khi ta chết đừng phát tang, hãy làm một cái hộp lớn, để ta ngồi trong, lấy bảy hạt gạt bỏ vào miệng, dưới chân để một ngọn đèn thật sáng. Trong quân không được khóc lóc. Như vậy tướng tinh của ta sẽ không rớt. Tư Mã Ý thấy tướng tinh không rớt, sẽ nghi sợ. Hãy cho hậu quân lui trước rồi cứ từng dinh trại, từng dinh trại rút lui dần. Hễ thấy Tư Mã Ý kéo quân đến, thì đẩy xe có tượng gỗ của ta đã khắc sẵn ở đó, đẩy ra trước ba quân ứng phó Tư Mã Ý. Ý trông thấy ắt kinh sợ mà bỏ chạy!

Dương Nghi vâng lệnh, cứ theo kế của Gia Cát Lượng bày sẵn mà tiến hành. Cuối cùng quân Thục đã rút lui một cách an toàn.

Vũ Dương biên dịch.

Tin bài liên quan