Giải mã hiện tượng: Bóng đè là gì? bóng đè điềm báo gì? lành hay dữ?

Nhiều người thức giấc lúc nửa đêm và cảm thấy không thể tự mình di chuyển hay phát ra âm thanh nào; nhìn thấy bóng người dồn mình vào góc tường, cảm thấy bị đè ép, căng tức phần ngực hoặc cảm giác như có ai đó đang bóp cổ mình; hoặc cảm thấy cơ thể mình bị tách ra khỏi giường và đang lơ lửng.

Từ trước đến nay nhiều người luôn tin rằng “bóng đè” là hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, do thần thánh hoặc ma quỷ gây ra. Vậy thực hư của hiện tượng này là gì, có phải trong giấc ngủ chúng ta đã gặp ma. Theo thuyết phong thủy thì những người bị bóng đè liên tục thường do chính mảnh đất của họ đang ở. Vì vậy, khi mua đất làm nhà các gia đình phải tìm hiểu, tính toán thật cẩn thận xem tâm và hướng đất đó có phù hợp với tuổi của mình không. Nếu vị trí đất đó không tốt sẽ phát ra từ trường xấu làm ảnh hưởng đến chủ nhà. Điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe, giấc ngủ và việc làm ăn của mọi người trong gia đình.

TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học tin học và Ứng dụng (UIA) cho biết: Người ta cho rằng, do đặt giường ngủ ở vị trí xà nhà, dầm nhà nên khi ngủ bị bóng đè. Theo triết học phương Đông, mỗi con người được thị hiện bởi 2 thành tố: Phần thực thể (phần vật chất nhìn thấy bằng sắc tướng) và phần tâm thể (phần vật chất vô hình, mắt thường không nhìn thấy).

Trong phần tâm thể có 3 hình thái là hồn, vía và phách. Thể hồn luôn gắn liền với thân xác khi con người còn sống, khi chết thì "hồn lìa khỏi xác". Còn thể vía và phách có khi bị "thất tán" ngay cả khi con người còn sống, cho nên mới có câu "Sợ mất vía" hoặc "Hồn xiêu phách lạc". Thể vía và thể phách như một "chiếc lồng" bao quanh cơ thể sinh học. Độ lớn của "chiếc lồng" đó có quan hệ mật thiết với sự cảm nhận của 6 giác quan.

1. “Bóng đè” theo nghiên cứu

Theo một thống kê năm 2011, có khoảng 7,6% dân số thế giới trải nghiệm ít nhất một lần “bị bóng đè” trong suốt cuộc đời mình. Tỉ lệ này cao hơn ở các đối tượng như: sinh viên, bệnh nhân tâm thần và đặc biệt là người từng bị sang chấn tâm lý hay hoảng loạn.

Bóng đè cũng được xem là biểu hiện phổ biến của chứng ngủ rũ (narcolepsy), bất ổn gây ra do buồn ngủ quá mức, cơn buồn ngủ thình lình xuất hiện hay hiện tượng bất ngờ mất kiểm soát cơ  - mô tả của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ.

Ngày nay, các nhà khoa học đã hiểu biết rõ ràng hơn và xem “bóng đè” như một rối loạn thần kinh, chứ không phải hiện tượng siêu nhiên. Bóng đè xuất hiện do cử động đóng mắt nhanh khi ngủ REM bị gián đoạn, xảy ra trong suốt giai đoạn này của chu kỳ giấc ngủ.

Trong suốt quá trình “bóng đè”, hai khía cạnh của REM vẫn diễn ra khi thức giấc. Chúng ta thường nằm mơ trong giai đoạn REM của giấc ngủ, cơ thể trở nên bất động (không thể dịch chuyển). Cũng trong giai đoạn này, người bị bóng đè bị “đờ đi” trong vài giây hoặc vài phút khi đi vào giấc ngủ hay khi thức giấc. Và khi bị”đóng băng” trên chiếc giường, nhiều người còn có nhiều ảo giác rất sinh động (hallucination) - theo chuyên gia thần kinh học Brian Sharpless, đồng tác giả quyển sách Bóng đè: Các góc nhìn Tâm thần học, Lịch sử & Y khoa - NXB Đại học Oxford năm 2015.

Nhiều người bị bất ổn này thường cho rằng cảm giác có ma quỷ trong phòng của mình. Nghiên cứu phát hành trên tạp chí Khoa học về Giấc ngủ gần đây cho thấy trong 185 người bị rối loạn này, 58% cảm giác có sự hiện diện của ai đó trong phòng mình (thường không phải là người), 22% nhìn thấy người khác trong phòng (thường là người lạ).

Bóng đè cũng tạo ra áp lực nơi ngực hay cảm thấy cơ thể dịch chuyển một cách không kiểm soát, theo Hiệp hội Giấc ngủ Hoa Kỳ. Nhiều người còn có ảo giác dễ chịu, thấy mình nhẹ tênh (không có trọng lượng) nhưng đa số và chủ yếu là cảm thấy khó chịu. Giống như bóng đè, các ảo giác này có thể là sự biểu hiện của REM.

2. Giải mã bí ẩn của “bóng đè”

“Bóng đè” đã được nhắc đến từ vài nghìn năm trước. Nhưng thời đó người ta tin rằng “bóng đè” là hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, do thần thánh hoặc ma quỷ gây ra. Khi y học phát triển và hiện tượng “bóng đè” lần lượt được các nhà tâm thần học giải mã, các khảo sát về hoạt động của hệ thần kinh đã đi đến kết luận rằng “bóng đè” là hệ quả của sự rối loạn giấc ngủ mà nguyên nhân là khả năng điều tiết vòng tuần hoàn “thức - ngủ” của não bộ bị đứt quãng.

Ở một người bình thường, giấc ngủ diễn ra theo từng chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài từ 90-110 phút, được chia thành 2 giai đoạn là giai đoạn đầu và giai đoạn sau của giấc ngủ. Giai đoạn đầu của giấc ngủ kéo dài khoảng 70-90 phút được chia thành bốn trạng thái: Trạng thái một kéo dài 5-10 phút, lúc đó thường chỉ lơ mơ và rất dễ tỉnh giấc. Trạng thái hai kéo dài khoảng 10 phút, gọi là giai đoạn “ngủ nhẹ”. Trạng thái ba gọi là “tiền ngủ sâu”, nhịp thở và nhịp tim xuống đến mức thấp nhất rồi rất nhanh chóng người ta rơi vào trạng thái bốn. 

Trạng thái bốn gọi là “ngủ sâu”, thở đều, tư thế nằm hầu như không thay đổi. Lúc này, nếu bị đánh thức đột ngột, người ta không điều chỉnh được cơ thể ngay lập tức mà thường cảm thấy mất thăng bằng, mất phương hướng trong vài chục giây.

Sau khi đi vào “giai đoạn đầu” của giấc ngủ, con người rơi vào “giai đoạn sau” của giấc ngủ rồi họ tỉnh nhưng vẫn ở trong trạng thái lơ mơ. Liền ngay sau đó, chu kỳ giấc ngủ lại được lặp lại. Đây chính là lúc xảy ra hiện tượng “bóng đè” hoặc “ác mộng”.

3. Làm sao để thoát khỏi 'bóng đè'?

Hạn chế uống trà pha đậm, cà phê từ 3-5 tiếng đồng hồ trước khi ngủ vì chất cafein sẽ kích thích não bộ, ngăn chặn cơn buồn ngủ. Khi hàm lượng cafein giảm đi, người ta mới ngủ nhưng ngủ không sâu, nhất là ở “giai đoạn sau” của giấc ngủ. Không nên ăn quá no hoặc uống quá nhiều rượu, bia trước khi ngủ vì giấc ngủ trong trường hợp này thường bị não bộ bỏ qua giai đoạn “ngủ nhẹ” và “tiền ngủ sâu” nên dễ bị “bóng đè”.

Khi thấy toàn thân tê liệt, bạn cần cố gắng thư giãn, không nên lo sợ, di chuyển nhẹ, tạo tiếng động và tập trung thở thật đều. Hiện tượng tê liệt khi ngủ hay dân gian còn gọi bóng đè, là khi cảm giác toàn thân bạn không thể di chuyển khi bắt đầu giấc ngủ hoặc khi thức dậy mặc dù tinh thần vẫn tỉnh táo. Tình trạng này dễ khiến bạn sợ hãi, mất phương hướng, làm nghẹt thở, hạ nhịp tim, có thể kèm theo ảo giác giống như bạn đang bị kéo lê xung quanh. Tuy bạn nhận thức được cơ thể đang ngủ, nhưng không thể di chuyển hoặc mở miệng để nói. Khi bị bóng đè thường xuyên, một số cách dưới đây có thể giúp bạn khôi phục cảm giác và khả năng di chuyển:

- Di chuyển nhẹ: Cố gắng ngồi dậy khi bị bóng đè có thể là điều cực kỳ khó khăn. Do đó, bạn nên tập trung nỗ lực vào nhiều chuyển động nhỏ như vặn vẹo ngón chân hay nắm chặt bàn tay. Ngoài ra, bạn có thể cố gắng nhăn mặt như thể bạn đã ngửi thấy mùi hôi thối và lặp lại chuyển động vài lần để thoát khỏi tình trạng tê liệt.

- Tập trung vào hơi thở: Thở đều và tỉnh táo giúp duy trì trạng thái bình tĩnh cho đến khi tình trạng này kết thúc. Nếu bạn hoảng loạn sẽ làm tăng áp lực lên ngực gây ra tình trạng ảo giác như ai đó đè lên ngực mình.

- Tạo tiếng động: Bạn cần cố gắng tập trung vào cổ họng để nói ra vài từ. Điều này đặc biệt hữu ích nếu nằm cạnh với ai đó và họ sẽ đánh thức bạn. Ngoài ra, bạn có thể cố gắng ho khan để tự thoát khỏi tình trạng tê liệt này.

- Đầu hàng: Khi cảm thấy như bị ai đó lôi đi, hay đè xuống, việc cố gắng chống lại chỉ làm trầm trọng thêm và ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Thay vào đó, bạn nên thư giãn và tự lặp lại trong đầu rằng “đây chỉ là ảo giác, tôi vẫn ổn”.

- Không nên phản kháng: Khi bạn cảm thấy bản thân bị đè lại, không thể động đậy được, thì đừng nên phản kháng, nếu không tình trạng có thể trở nên căng thẳng hơn.

- Tự mình nhắc nhở chính mình: Khi bạn cảm thấy bị liệt thân khi ngủ, có thể thả lỏng người trước, rồi nói với bản thân mình “đây là bị bóng đè, sẽ không có chuyện gì đâu”. Như vậy có khả năng sẽ tỉnh lại được nhanh chóng hơn là phản ứng kịch liệt.

- Co duỗi ngón chân: Thử co duỗi tứ chi, ví như ngón tay và ngón chân. Bởi vì phần đông triệu chứng liệt thân khi ngủ là ảnh hưởng phần bụng, phần ngực, cổ họng. Vậy nên nếu như bạn tập trung sức chú ý ở ngón chân, và thử co duỗi nó, rất có thể sẽ đánh thức bạn.

- Nắm chặt bàn tay: Điều này cũng tương tự như điều trên.

- Co giật mặt: Một biện pháp rất hữu hiệu, theo kinh nghiệm của tác giả bài viết, là sau khi ý thức được bản thân rơi vào trạng thái liệt thân khi ngủ, thì hãy co giật mặt của mình, thông thường làm 2, 3 lần như vậy thì sẽ có thể tỉnh lại.

4. Hướng nhà xấu dễ bị bóng đè

TS Khanh cho hay, hướng nhà không tốt cũng dễ bị bóng đè khi ngủ. Như cổng chính hoặc cửa nhà đối diện với ngã 3 ngã 4 tạo thành đường thẳng đâm vào nhà, nhất là những nhà ở thành phố. Khi đó sóng bức xạ thứ cấp, tia hồng ngoại của người và các loại xe cơ giới ngoài đường sẽ phóng thẳng vào nhà, gây cho cơ thể chúng ta có cảm giác ngột ngạt, khó chịu. Người lúc nào cũng trong trạng thái lâng lâng, chóng mặt. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, về đêm dễ xảy ra hiện tượng mê sảng, mệt mỏi khi ngủ.

"Khi làm nhà nên chọn vị trí phù hợp để thiết kế cửa chính, cửa sổ. Để hạn chế việc bị bóng đè do yếu tố phong thủy thì cấu trúc nhà ở, đồ dùng trong nhà nên được tạo thành hình khối uyển chuyển, tránh các hình khối có dạng nhọn, sắc, làm cho tâm trí có phản ứng đối kháng. Hoặc là, phòng ngủ quá to thì gây cảm giác hoang mang, trống trải, phòng ngủ nhỏ quá lại tạo cảm giác bức bối, gò bó và cũng dễ gây hiệu ứng bóng đè. Do vậy, kích thước phòng ngủ vừa phải, vuông vắn, giường kê cách xa cửa chính, không đối diện với nhà bếp hoặc phòng vệ sinh là tốt nhất. Không nên kê giường ngủ dưới các thanh xà hoặc dầm gỗ, dầm bê tông. Vì ở các vị trí đó dễ bị cảm giác "xà đè" hoặc "bóng đè", TS Khanh chia sẻ. "Bóng đè là hiện tượng bình thường của giấc ngủ, hoàn toàn không liên quan đến ma quỷ. Chúng ta nên ăn uống, làm việc điều độ và luyện tập để có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái. Ngoài ra, khi xây hoặc mua nhà cần lưu ý đến các yếu tố về phong thủy như hướng nhà, cách bài trí đồ đạc... ".

GS.TS Nguyễn Trường Tiến (Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam): "Chúng ta nên đặt giường ngủ nơi con chó thích nằm nhất, vì chó có cảm nhận đặc biệt, tránh xa các luồng ác xạ. Ngược lại, con mèo thường chọn nằm chỗ có nguồn phóng xạ cường độ mạnh. Bộ lông của nó hấp thu dễ dàng điện tích tĩnh của từ trường. Vì thế, chúng ta nên tránh đặt giường ngủ nơi mèo thích ngủ vì dễ bị ảo giác bóng đè."

* Bóng đè không phải là bệnh và thường không cần điều trị

Thực tế khoảng một nửa dân số đã từng trải qua cảm giác bóng đè ít nhất một lần trong đời. Một số sẽ gặp bóng đè thường xuyên, những người khác thì chỉ một hoặc hai lần kể từ khi sinh ra.

Nhưng bóng đè không phải là bệnh và thường thì chúng vô hại. Nếu giữa đêm mà bạn thức dậy và thấy toàn thân mình tê liệt, không vận động được, điều bạn nên làm đơn giản là bình tĩnh và ngủ tiếp.

Một điều cần lưu ý là đừng cố gắng thoát khỏi bóng đè. Hành động này chỉ khiến bạn thêm kiệt sức mà thôi. Chỉ cần ngủ tiếp, mọi thứ đều vẫn ổn, mặc dù nó có vẻ đáng sợ.

* Ai là những người dễ bị bóng đè:

- Nếu bố hoặc mẹ bạn bị bóng đè, bạn cũng có thể bị bóng đè khi ngủ.

- Người bị thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc dễ gặp bóng đè hơn người khác.

- Mọi hôm bạn ngủ theo một tư thế khác, hôm nay bỗng dưng đổi tư thế cũng dễ gặp bóng đè.

- Bóng đè dễ xảy ra hơn nếu bạn nằm ngửa (mặc dù khoa học vẫn chưa biết lí do tại sao).

- Công việc của bạn đòi hỏi phải làm ca kíp.

- Bạn bị căng thẳng hoặc đang dùng một số loại thuốc.

- Bạn bị một rối loạn giấc ngủ ví dụ như chứng ngủ rũ (ngủ gật đột ngột và không kiểm soát được).

* Thông tin mang tính tham khảo cho bạn đọc.

Tin bài liên quan