Bà con người Thái ở Tây Bắc không có phong tục làm giỗ làm kị rải rác trong năm như người Kinh dưới xuôi. Việc cúng lễ của người Thái chỉ tập trung vào một ngày, là ngày 14-7 âm lịch hằng năm. Tiếng Thái gọi ngày đó là ngày síp sí.
Ðến ngày síp sí, mọi gia đình người Thái đều tiến hành ba cuộc lễ liền nhau: Lễ cúng tổ tiên và những người trong gia đình đã khuất, lễ cúng bà mụ (người đã "nặn" ra mình) cùng những linh hồn bơ vơ không nơi hương khói, và lễ cúng tạ ơn con trâu.
Nền nông nghiệp lúa nước từ ngàn xưa đã tạo cho con người và con trâu làm bạn gắn bó đời đời bên nhau. "Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa", hoặc "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công...". Xem thế đủ biết người nông dân miền xuôi yêu quý con trâu tới mức nào.
Còn người Thái tỏ lòng biết ơn con trâu công bằng và cụ thể. Tục cúng tạ ơn trâu của người Thái bắt nguồn từ xa xưa, được duy trì nguyên vẹn cho tới ngày nay. Ngày síp sí, trong lễ tạ ơn con trâu, có hẳn mâm cỗ gồm một con gà luộc, một đĩa xôi, một chai rượu, một đĩa trầu cau và một bó cỏ non. Thịt gà được chặt ra gói cùng với xôi trong mớ cỏ non, những gói cỏ xếp vào cái đĩa lớn, vẩy mấy giọt rượu vào đó...
Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, ông thầy cúng khăn áo chỉnh tề bước ra thắp hương, làm lễ tạ ơn trâu. Lễ tạ ơn được tiến hành với từng con, bắt đầu từ con trâu đầu đàn, tiếng Thái gọi là quái tổn lang (trâu chủ gầm), sau đó lần lượt theo thứ tự con nhiều tuổi trước, con ít tuổi sau. Tạ ơn con nào thì bê mâm cỗ tới đặt trước con đó. Người cúng cầm sẹo mũi con trâu và đọc bài cúng, mở đầu bằng những câu:
"Ơ này trâu ơi
Mưa rơi trâu kéo cày
Trời sấm trâu kéo ruộng
Ðeo ách khắp thửa trên
Kéo bừa khắp thửa dưới
Thương trâu hồn to vía lớn
Có gà lớn bằng con công
Gà to bằng con ngỗng
Sắp mâm cỗ mời trâu ăn
Có chai rượu thơm
Rót ra mời trâu uống..."
Và kết thúc ở mấy câu:
"... Gom của về với chủ
Tận già trâu đừng chết
Trâu sinh sôi đầy đàn
Trâu sinh nở đầy gầm nhà!"
Toàn bộ bài cúng có 42 câu.Sau đó, chủ nhà tận tay đút cho trâu ăn những gói cỏ non bên trong có thịt gà và xôi, rồi thả trâu ra rừng. Mấy ngày sau lễ tạ ơn, người ta kiêng nặng lời mắng mỏ trâu, kiêng đánh trâu và bắt trâu làm nặng.
Trên miền đồng rừng Tây Bắc, mỗi con trâu vẫn được đeo một chiếc mõ ở cổ. Mõ trâu làm bằng khúc gỗ đục rỗng, cái dùi mõ treo bên trong, trâu đi tới đâu tiếng mõ lộc cộc vang lên tới đó. Những con trâu cùng một nhà bao giờ cũng đi theo nhau thành một đàn, quây quần quanh con trâu chủ gầm. Trâu chủ gầm là một con trâu đực khỏe mạnh và "cao tuổi" nhất đàn. Nó đặc biệt có "uy tín" đối với những con trâu khác.
Trước đây, thời rừng núi còn rậm rạp, lắm thú dữ, con trâu chủ gầm thường rất gan góc và dũng mãnh. Khi bị thú dữ tấn công, những con trâu chủ gầm đã dẫn cả đàn trâu nhà xúm lại húc chết cọp.