Luật nhân quả tuỳ duyên, tuỳ phận trong tử vi

Luật nhân quả tuỳ duyên, tuỳ phận trong tử vi

Trong lá số tử vi, vòng Tràng Sinh đã kín đáo giảng giải đời người không phải là một đường thẳng đi từ sinh đến tuyệt là hết. Còn hai giai đoạn Thai và Dưỡng nối liền Tuyệt với Sinh thành một vòng kín quay vòng luân lưu vô hạn. Thời gian biến dịch hết thịnh phải suy, suy tàn lại kéo màn hưng thịnh. Kiếp nhân sinh do 2 vòng Thiên Can (Lộc Tồn) và Địa Chi (Thái Tuế) đúc nắn nhưng không thể không có bản ngã là mình gây nghiệp quả. Một chén cơm ngon không thể không có công bằng người nấu chín.


Vòng Tràng Sinh do cục diện đời đương số phát xuất, từ kẻ thất phu đến bậc tuyệt luân cùng chung hưởng sự khác biệt tuỳ theo hành động của cá nhân.

Hai chữ Tài Thọ do Mệnh và Thân điều động là tất cả sự hoán cải bù trừ nhân quả. Lý đương nhiên,Thân có làm ra Thọ (nhân hậu) thì định mệnh mới có đủ khả năng quyền biến (Thiên tài có nghĩa là năng lực tuyệt vời) tạo những gì tốt đẹp đền đáp. Đó là trường hợp Thái Tuế. Trái lại khi Không Kiếp hãm địa xuất phát chữ Thọ thì Tài kia cũng sẵn sàng đem lại kết quả hình thức tranh vẽ mà thôi, tuỳ theo cá tính thành tâm tín thực hay thủ đoạn gian manh.

Thế cuộc luân lưu bằng 12 địa chi từ Tí đến Hợi, người đời nhập thể ở khoảng thời gian nào thì thấy cái căn bản của mình phải mang nặng ngay ở phần việc nào nhưsau:

1- Sinh năm Tí thì chính bản thân mình là điều can hệ nhất (Tài ở Mệnh)

2- Sinh năm Sửu thì phải làm sao với đấng sinh thành (Tài ở Phụ)

3- Sinh năm Dần thì căn quả chịu ảnh hưởng nơi dòng họ (Tài ở Phúc)

4- Sinh năm Mão thì căn quả chịu ảnh hưởng nơi sự nghiệp (tài ở Điền)

5- Sinh năm Thìn thì căn quả chịu ảnh hưởng với công việc làm (Tài ở Quan)

6- Sinh năm Tỵ thì căn quả chịu ảnh hưởng với người lui tới cửa sau (Tài ở Nô)

7- Sinh năm Ngọ thì căn quả chịu ảnh hưởng ngoại nhân (Tài ở Di)

8- Sinh năm Mùi thì căn quả chịu ảnh hưởng những hoạn nạn (Tài ở Ách)

9- Sinh năm Thân thì căn quả chịu ảnh hưởng tiền của thâu hoạch (Tài ở Tài)

10- Sinh năm Dậu thì căn quả chịu ảnh hưởng con cháu (Tài ở Tử)

11- Sinh năm Tuất thì căn quả chịu ảnh hưởng vợ chồng (Tài ở Phối)

12- Sinh năm Hợi thì căn quả chịu ảnh hưởng anh em (Tài ở Bào)


Chữ Thọ tuỳ theo Thân sống ở 6 nơi: Mệnh, Phúc, Quan, Di, Tài và Phối hướng mà đi. Người nào tuổi dương thì luôn luôn Thọ phải ở những cung được coi là cương cung, vì cùng thế dương hay âm với cung Mệnh, tức là 6 cung Mệnh, Phúc, Quan, Di Tài và Phối. Còn người âm Thọ thường xuyên ở cung nhược (1) cung tức là cung khác biệt âm dương với cung mệnh, nghĩa là 6 cung: Phụ, Điền, Nô, Ách, Tử, Bào. Tất cả trên đây cho thấy luật âm dương rất thận trọng rành mạch phân minh.

Lấy ví dụ hai người cùng tuổi Mão:

a- Ất Mão sanh ngày 23 tháng 10 giờ Thân

b- Tân Mão sanh ngày 14 tháng 10 giờ Hợi

Biết rằng cả hai người đều nặng căn quả ở cung Điền (sự nghiệp gồm vật chất và tinh thần). Hai người cùng bị Không Kiếp nhập Mệnh và Thân. Sự khác biệt nhau là một người Mệnh Thân Thái Tuế, người kia Mệnh Thiếu Dương, Thân Thiếu Âm. Sự khác biệt này cho biết đâu là thành thực tín nghĩa của Thái Tuế. Không Kiếp chỉ hành hạ người không được đắc ý mà thôi. Còn người Thiếu Dương Không Kiếp được bồi đắp thêm tả Hữu ở Phụ Mẫu nhị hợp dồn sang, diễn tả một kiếp nhân sinh sáng láng hơn người mà thủ đoạn cũng không chịu nhường ai cả (Tả Hữu Không Kiếp).

Người Thái Tuế mang chữ Thọ từ Quan đến Ách, đương nhiên là Ách sẽ chẳng đến nỗi nào đáng ngại. Người Thiếu Dương mang chữ Thọ từ Phối đến Phụ. Hỏi rằng có thực bụng tâm thành hay không? Hay chỉ là một thủ đoạn trá hình. Tất nhiên cung Điền của hai người do chữ Tài hoán cải khác biệt muôn vạn dặm đường.

Bánh xe Tràng sinh xoay chuyển đồng nhịp điệu với Tài Thọ luân lưu làm cho lý số học ngoài cái ưu điểm sở trường là thấu rõ tư thế cá nhân trong xã hội, còn bao gồm một triết lý cao sâu cho hết thảy mọi người phân biệt được đâu là đường đi quang minh êm đẹp, đâu là bước ngõ tối chông gai, tự mình nên sáng suốt mà rong ruổi.

12 cung số trong tử vi không thể coi cung nào là cường hay nhược. Mỗi cung đều có những quan hệ thiết thực với Mệnh trên khía cạnh riêng biệt, như Phụ Tử Điền Ách đâu có thể coi nhẹ đồng cân. Từ lúc mới ra đời phải có cha, khi về già có con, sự nghiệp tài sản với tai nạn đâu có phải là vấn đề bỏ qua ít ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân.

Cũng vì Nhân đời này tạo thành Quả đời sau, cho nên mới có Số Mạng và mới có sự chứng minh về thuyết Luân Hồi, là những điều mà người Á Đông tin tưởng. Nếu không có Nhân, Quả thì không thể giải thích tại sao một con người sanh ra lại mang sẵn những nét tướng ở mặt, những chỉ ở tay, và một lá số Tử Vi của mình. Không phải là mình phải chịu đựng một số mạng một cách phi lý mà chính là số mạng đó là Quả của những hành động của mình ở kiếp trước, tức là Quả của những Nhân mà mình đã tạo ra. Cũng bởi thuyết Nhân quả như vậy, mà sự tập trung của những người con tốt, hiếu hạnh, có vận mạng, vào những gia đình phúc đức không có nghĩa là “các bậc cha mẹ phúc đức để lại đức cho con cháu và làm cho con cháu tốt lành” mà có nghĩa là “những người con mang sẵn nghiệp quả tốt, nhờ những Nhân của mình tạo ra trong đời trước, được chọn những gia đình phúc đức để sanh ra”.

Tin bài liên quan