Ngày Xuân mạn đàm về chữ ‘Phúc’ trong thư pháp

Ngày Xuân mạn đàm về chữ ‘Phúc’ trong thư pháp

Thư pháp là tinh hoa văn hóa, cũng là nét đẹp nghệ thuật được ưa chuộng trong Tết cổ truyền. Những ngày Tết, người ta nô nức đi xin chữ, mua chữ để thể hiện ước nguyện cao quý nhất của mình trong Năm mới. Còn với những người hiểu đạo lý, chữ “Phúc” luôn luôn có ý nghĩa lớn lao và quan trọng hàng đầu.

Trong quan niệm của người Việt, chữ Phúc có vị trí quan trọng hàng đầu. “Nhà có phúc” là ước nguyện, niềm tự hào và sự may mắn của mỗi một gia đình. Vì lẽ đó, cứ Tết đến Xuân về, người ta thường viết chữ Phúc trên một tờ giấy đỏ vuông dán ngoài cửa và xem đó là lời chúc cao quý nhất trong Năm mới.

Uớc nguyện đầu xuân của người Việt không thể thiếu chữ Phúc. Cụ Nguyễn Công Trứ có đôi câu đối hóm hỉnh nhưng cũng rất tinh tế, sâu sắc và đặc biệt là thấm đẫm hương vị Tết:

“Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

Lại nữa, trong dân gian kể rằng: Đời vua Gia Long, có người lập nhiều công trạng, nhà vua hỏi muốn được thưởng gì thì người ấy thưa rằng: “Hạ thần chỉ xin được một chữ ‘Phúc’ mà thôi”. Vua cười đáp rằng: “Tiền bạc, chức tước thì ta có thể ban, chứ Phúc thì chỉ có Trời ban mà thôi, cả dòng họ ta chỉ nhờ có chữ Phúc mà vinh hiển nhiều đời”. Thật vậy, dòng họ nhà Nguyễn đã lót chữ Phúc vào tên của mình (vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh).

Chữ Phúc là từ Hán Việt, người miền Nam đọc là “Phước”. Chữ Phúc trong giáp cốt văn là hình tượng hai bàn tay bưng hũ rượu đứng trước bàn thờ. Như vậy, khái niệm Phúc vốn được cổ nhân xem là điều tốt lành đến từ niềm thành kính của con người đối với Thần Phật.

Thư pháp chữ Phúc.

Phúc cũng có nghĩa là “thuận lợi”, “đồng thuận”. Thuận là từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đều thông suốt, không có gì trở ngại. Trên thuận trời đất, dưới thuận vua tôi, dưới nữa thuận cha mẹ, thuận vợ, thuận chồng… Đời sống tinh thần bên trong và đời sống vật chất bên ngoài đều thuận lợi không có gì trắc trở, như vậy gọi là thuận, là Phúc. Một điều thú vị là câu chúc tụng của người phương Tây cũng thường đề cập đến 3 giá trị lớn, xếp theo thứ tự Hạnh phúc, Sức khỏe và Thành công. Tương đồng với Phúc, Lộc, Thọ mà ở phương Đông người ta tâm niệm.

Tất cả các dân tộc từ Âu đến Á đều đặt chữ Phúc lên vị trí hàng đầu. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn sẽ thấy chữ Phúc của phương Đông rất rộng lớn và tinh tế. Người Trung Hoa chơi chữ bằng cách vẽ 2 con dơi chụm cánh lại, ngụ ý là trùng phúc, hoặc vẽ 5 con dơi biểu tượng cho ngũ phúc (ngũ phúc lâm môn). Sách Hồng Phạm viết: “Ngũ phúc, nhất viết Thọ, nhị viết Phú, tam viết Khang minh, tứ viết Du hảo đức, ngũ viết Khảo chung mệnh” (Ngũ phúc: thứ nhất sống thọ, thứ nhì giàu có, ba tới bình an, bốn có đức tốt, năm tịch về già).

Theo Từ điển Khai Trí Tiến Đức thì Phúc là điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà được phúc báo. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong tâm thức người Việt luôn quan niệm rằng Phúc bao giờ cũng đi đôi với Đức. Thuật ngữ “Phúc đức” luôn gắn liền nhau. Chính điều này đã làm sâu sắc thêm triết lý nhân quả của nhà Phật và là cơ sở khẳng định đạo lý “Thiện giả -Thiện báo, Ác giả – Ác báo”. Phúc dày hay mỏng cũng do chính con người quyết định.

Chữ Phúc chính là kết quả mà con người tự tạo ra qua những hành động và việc làm tốt của mình. Nó là những hạt giống tốt được tay người gieo trên mảnh đất mà ta thường gọi là phúc điền (ruộng phước). Do quan niệm họa phúc ở đời được lý giải bởi đạo lý “gieo gió – gặt bão”, nên người Việt cũng chú trọng đến việc làm ơn, làm phước, tránh làm điều ác, bất nhân.

Hơn thế nữa, mỗi hành động, việc làm của chúng ta không những ảnh hưởng đến bản thân, ở kiếp này mà còn lưu lại kết quả cho thế hệ sau. Nhà có Phúc là có ý nói rộng về một gia tộc khang thịnh, thuận hoà, bình an và đặc biệt là có nhiều lớp hậu thế an vui thành đạt. Muốn giữ được Đức phải có Phúc và tích được Đức thì Phúc sẽ đến, đó là quy luật. Nội dung của Đức phụ thuộc điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo… Ví như Đức trong Nho giáo là Ngũ thường, Đức trong Phật giáo là Ngũ giới (năm điều cấm), Đức trong Kitô giáo là 10 điều răn của Chúa… Dù văn chương chữ nghĩa có khác nhau, nhưng chung quy mỗi dân tộc, mỗi thời đại đều cho rằng Đức là một bộ các chuẩn mực tốt đẹp, đạo lý làm người.

Người xưa có câu: “Danh lợi tiền tài như mây khói, công đức bao nhiêu cũng chẳng thừa”. Thực ra Phúc là kết quả của Đức, do Đức tích tụ lại mà thành. Người càng nhiều Đức hạnh thì mọi thứ theo đó sẽ càng tốt đẹp.

Bao nhiêu điều tốt đẹp trong cuộc đời quy vào một chữ Phúc, vậy chúng ta còn ngần ngại gì mà không treo một chữ Phúc thật lớn trước cửa nhà để Năm mới tràn đầy Hạnh Phúc và An Lành?

Nhã Thanh

Tin bài liên quan