Nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục truyền thống của Tết Trung thu cổ truyền

Rằm tháng tám âm lịch hàng năm, nhà nhà đều nô nức vui Tết Trung thu trong tâm trạng vui vẻ và hân hoan. Hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và nét đẹp phong tục truyền thống của ngày lễ cổ truyền này trong văn hóa Việt Nam.  

Rằm tháng 8 âm lịch, nhân dịp Tết Trung thu, Mỗi gia đình tùy theo sở thích và thói quen mà bày cỗ và trang trí mâm cỗ rằng Trung thu khác nhau. Khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu chính là lúc mà mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu.

Mâm cỗ trung thu là để cúng trăng và tế trời đất, cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên trong gia đình. Ngày rằm Trung thu trong không khí hân hoan người lớn thưởng nguyệt ngắm trăng, trẻ em tổ chức rước đèn, xem múa lân và rộn ràng ca hát các bài hát về chủ đề Trung thu rồi cùng vui hưởng hoa quả, bánh trái bày trên mâm cỗ Trung thu.

Đồ trẻ con chơi trong ngày Tết Trung thu xưa là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ... Những năm gần, nhờ điều kiện kinh tế phát triển thiếu nhi có thêm nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...

nguon goc y nghia va phong tuc truyen thong cua tet trung thu co truyen
Mâm cỗ cúng rằm Trung thu truyền thống của người Việt xưa

Tết Trung thu 2018 là ngày nào?

Tết Trung thu hay Rằm Trung thu được mọi người biết đến là ngày Tết thiếu nhi. Ngày này được tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Trung thu 2018 là ngày thứ 2, mùng 24/9/2018 dương lịch, lịch âm vẫn là ngày 15/8 năm Mậu Tuất.

Nguồn gốc Tết Trung thu

Theo Trung Quốc, tết Trung thu có từ đời Đường. Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (713-741 Tây Lịch) dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm rằm tháng 8 âm lịch, trăng đêm ấy rất tròn và sáng.

Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ phép tiên La Công Viễn (tên khác là Diệp Pháp Thiện). Được Công Viễn dùng phép tiên đưa lên cung trăng, nhà vua hân hoan thưởng thức bồng lai tiên cảnh tiên trong không gian, ánh sáng huyền ảo với các điệu múa thướt tha của các nàng tiên xiêm y lộng lẫy.

Vua đắm mình vào không gian mê hoặc mà quên cả thời gian nên đạo sĩ phải nhắc nhỏ người mói chịu ra về. Tới hoàng cung, nhà vua vẫn còn vấn vương tiên cảnh nên đã cho viết ra bài Khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm rằm Trung thu (này 15 tháng 8 âm lịch hàng năm) lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng.

nguon goc y nghia va phong tuc truyen thong cua tet trung thu co truyen

Vào ngày hôm đó, nhà vua cùng Dương Quí Phi thưởng nguyệt ngắm trăng và nho nhã uống rượu, cùng dàn cung nữ múa hát để kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng tám Tết Trung thu trở thành phong tục của dân gian Trung Quốc.

Ở Việt Nam, truyền thuyết về Tết Trung thu gắn liền với chị Hằng và chú Cuội. Chuyện kể rằng, ngày xưa có nàng tiên nữ là Hằng Nga, xinh đẹp và rất yêu trẻ con. Nàng mong muốn được xuống trần gian chơi cùng trẻ em nhưng tiên giới không cho phép.

Khi Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm”, Hằng Nga đã xuống trần gian để học cách làm bánh ngon. Tại đây, Hằng Nga gặp được Cuội - anh chàng chuyên gia nói dối. Cuội bày cho Hằng Nga cách là cứ bỏ tất cả nguyên liệu hòa lại rồi đem nướng lên. Nhưng bất ngờ thay, khi chiếc bánh ra lò thơm phức, các em nhỏ ăn đều khen rất ngon. Hằng Nga trở về cung trăng và đem những chiếc bánh để dự thi.

Nhưng vì Cuội lưu luyến không muốn rời xa Hằng Nga nên đã nắm lấy tay nàng và sức mạnh kì lạ đã kéo cả chàng cùng cây đa đầu làng lên tận cung trăng. Ngồi trên cây đa, Cuội có thể thấy bọn trẻ đang chơi đùa, nên nhớ nhà và chỉ biết ngồi khóc và buồn bã.

nguon goc y nghia va phong tuc truyen thong cua tet trung thu co truyen
Cứ đến rằm tháng tám, người ta bày cỗ Tết Trung thu với hoa quả, bánh trung thu và tổ chức rước đèn, múa lân rồi cùng nhau phá cỗ dưới ánh trăng để nhớ về chú Cuội, chị Hằng

Những chiếc bánh của Hằng Nga đã giành giải Nhất và lấy tên là “bánh Trung thu”. Nàng cầu xin Ngọc Hoàng cho phép nàng cùng chú Cuội được xuống trần gian chơi cùng các em nhỏ vào rằm tháng tám hàng năm. Từ đó, Ngọc Hoàng đặt tên cho rằm tháng tám là “Tết Trung thu” - dịp tết vui chơi của các em nhỏ.

Hàng năm, cứ đến rằm tháng tám, người ta tổ chức rước đèn, múa lân dưới ánh trăng để kỷ niệm chú Cuội, chị Hằng, đàn thỏ xuống mặt đất để liên hoan vui chơi.

Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ bao giờ?

Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả.

Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời như một cặp vợ chồng.

Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng.

nguon goc y nghia va phong tuc truyen thong cua tet trung thu co truyen
Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm

Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.

Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung thu.

Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu. Theo âm lịch, ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày “lành” để làm lễ tế thần mặt trăng.

Ý nghĩa và phong tục đẹp trong Tết Trung thu cổ truyền

Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Nhiều vùng trên cả nước còn có thói quen ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt.

Trong mâm cỗ ngày rằm, không thể thiếu món bánh trung thu. Bánh trung thu đã trở thành một thức bánh chỉ có vào dịp Tết Trung thu không thể thiếu của mọi nhà và được coi là biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình.

Theo lệ cũ, vốn bánh trung thu có hai loại, bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, làm bằng nhân lạp xưởng và lòng đỏ trứng gà. Còn bánh dẻo có vị ngọt làm bằng nhân đậu xanh hay đậu đỏ được nấu nhừ và đánh nhuyễn như bột.

nguon goc y nghia va phong tuc truyen thong cua tet trung thu co truyen
Xưa bánh trung thu có hình dáng tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết và hoàn chỉnh

Ban đầu, bánh trung thu có hình dáng tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết và hoàn chỉnh, dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông. Thường bánh trung thu sẽ được cắt bằng với đúng số thành viên trong gia đình. Miếng bánh càng đều thì gia đình càng hạnh phúc hòa thuận.

Rằm tháng 8 chính vì thế là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quý mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể, vì thế, tình yêu gia đình lại càng khăng khít thêm. Cũng trong dịp này nhà nhà mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác, vừa để tri ân vừa tỏ lòng thành kính, yêu mến.

Người Việt đặc biệt tổ chức múa sư tử hay múa lân trong dịp Tết Trung thu, lân trong văn hóa Việt là con vật tượng trưng cho điềm lành. Đám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống.

nguon goc y nghia va phong tuc truyen thong cua tet trung thu co truyen
Người Việt đặc biệt tổ chức múa sư tử hay múa lân trong dịp Tết Trung thu, lân trong văn hóa Việt là con vật tượng trưng cho điềm lành

Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Đám múa lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau.

Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung thu, điệu hát Trống Quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình”. Theo ghi chép phong tục thời xưa, con trai con gái dùng điệu hát Trống Quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm Trung thu. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.

nguon goc y nghia va phong tuc truyen thong cua tet trung thu co truyen
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung thu

Tết Trung thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung thu trở thành Tết trẻ em, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Các em có dịp vui chơi rước đèn, ca hát, phá cỗ do cha mẹ anh chị bày cho và nhất là có dịp ăn bánh kẹo thả cửa mà không sợ bị trách mắng.

Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu.

Tin bài liên quan