Khai bút đầu xuân vào ngày nào để cả năm 2019 đỗ đạt, sự nghiệp phát triển?

Nên chọn ngày nào để khai bút đầu xuân, viết gì khi khai bút và chuẩn bị khai bút ra sao cho đúng với hồn cốt truyền thống?

Ý nghĩa của tục khai bút đầu xuân

Cứ mỗi dịp xuân về, hòa chung với không khí tưng bừng đón năm mới thì nhà nhà cũng chọn cho mình một ngày tốt, giờ đẹp để tiến hành khai bút đầu xuân. Khai bút đầu xuân vào ngày nào còn phụ thuộc vào ngày tốt trong từng năm, nhưng cứ qua phút giao thừa, người ta thường nhớ ngay đến việc khai bút như một nét đẹp văn hóa biểu tượng không thể thiếu trong năm mới.

Khai bút không phải một tục lệ bắt buộc khi năm mới sang, nhưng từ lâu nó đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nét đẹp tượng trưng cho tinh thần hiếu học của cả dân tộc Việt Nam. Nếu như khai bút thời xưa chỉ được chuộng ở những ông đồ, nho sĩ thì thời nay, từ học sinh, sinh viên đến công chức, những người đã đi làm,… đều khai bút để khởi đầu một năm mới với sự học, sự nghiệp đạt được thành công như ý.

Khai bút đầu xuân không chỉ gắn với riêng sự nghiệp hay sự học của mỗi người mà trong nó còn gửi gắm những ước mong về một năm mới may mắn, thành công. Gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân năm mới là đầy đủ những tâm tư, ước nguyện của người viết, là truyền thống của dân tộc để răn dạy các con cháu đời sau tiếp nối sự nghiệp hiếu học của dân tộc, giữ gìn nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông.

Nên viết gì khi tiến hành khai bút đầu xuân mới 2019?

Khai bút đầu năm là dịp để người ta viết lên những câu chữ, những ước nguyện về một năm mới thi cử thuận lợi, đỗ đạt, chuyện học hành hay sự nghiệp đều như ý. Thời xưa, các ông đồ, các nho sĩ thường chuộng viết lên giấy đỏ những câu đối hay, những chữ mang ước vọng về một năm mới tốt lành.

Thời nay, khai bút đầu xuân có thể bắt đầu bằng một vài câu thơ ngẫu hứng trong không khí háo hức chào đón tết đến xuân về với nhiều điều may mắn. Cũng có những người thích khai bút bằng những lời chúc đơn giản, ý nghĩa dành tặng bản thân, tặng cho gia đình hoặc người thân.

Đôi khi việc khai bút cũng có thể chỉ là vài dòng ghi họ tên của mình và một vài điều ước, gửi gắm mong muốn của bản thân trong từng nét chữ, hi vọng năm mới đạt nhiều thành công hơn. Khai bút đầu xuân không cần quá cầu kỳ câu chữ, chỉ cần người viết thành tâm viết lên những nét chữ cẩn thận là được.

Bởi vậy, khai bút đầu xuân tuyệt đối nên tránh sao chép những câu chữ của người khác, nên viết những gì tự bản thân mình nghĩ ra để việc khai bút trọn vẹn ý nghĩa nhất trong năm mới.

Khai bút đầu xuân 2019 vào ngày nào tốt?

Người ta thường cho rằng ngay sau thời khắc giao thừa, cần phải khai bút ngay thì mới có giá trị. Cũng có nhiều người quan niệm rằng, chỉ cần chọn một ngày đẹp đầu xuân là có thể khai bút, điều này không sai nhưng chưa hoàn toàn đúng.

Thời điểm thích hợp nhất để tiến hành khai bút đầu xuân thường chỉ nên tính từ ngày mùng 1 Tết cho tới hết ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. Việc khai bút cũng không nên làm qua loa, xuề xòa cho có mà cần chuẩn bị một không gian trang trọng, sạch sẽ, không quá ồn ào. Người viết cũng cần chỉn chu trang phục, tâm tĩnh để tập trung viết lên những nét chữ đầu tiên trong năm mới.

Ngày tốt nhất để khai bút đầu xuân Kỷ Hợi 2019 năm nay là vào ngày mùng 4 Tết, tức 8/2/2019 theo Dương lịch. Đây là ngày đẹp để tiến hành các việc liên quan tới học hành như nhập học, khai bút, nhậm chức, ngoài ra việc cưới hỏi, nhập trạch, khai trương,… cũng đều có thể diễn ra vào ngày này để mọi điều suôn sẻ, thuận lợi.

Trong ngày khai bút, gia chủ nên chọn khai bút đầu xuân vào các giờ hoàng đạo để việc học hành, công việc cả năm trôi chảy. Các giờ hoàng đạo trong ngày mùng 4 Tết là giờ Tý (Từ 23h-1h); giờ Sửu (Từ 1h-3h); giờ Mão (Từ 5h-7h); giờ Ngọ (Từ 11h-13h); giờ Thân (Từ 15h-17h) và giờ Dậu (Từ 17h-19h). Tuy nhiên, để việc khai bút trong năm mới đạt nhiều điều viên mãn, tươi sáng, gia chủ nên chọn khai bút vào các khung giờ lúc mặt trời chiếu rọi, dưới ánh đèn sáng để công việc học hành, thi cử, công việc cả năm rạng rỡ.

T/H.

Tin bài liên quan