“Vinh quy bái tổ” là một nghi thức trang trọng, vinh danh những người học giỏi đỗ đạt trong lịch sử. Các tiến sĩ tân khoa được vua ban yến tiệc, mũ, áo, cân, đai và lính hầu đưa về làng với cờ lọng chiêng trống rầm rộ. Vậy lệ “vinh quy bái tổ” này có từ khi nào?
Nước sông mênh mang nguồn dòng dài
Nhà từ đường rực rỡ, hương hoa ngát thơm
Vị Thần giáng xuống ánh sáng rực rỡ
Mây sáng phiêu diêu, xa giá lượn quanh
Dáng vẻ ung dung, vang khắp mùa xuân
Hát vang bài ca yên vui, điển chương yên lành
Phúc Thần dạt dào, nhân kiệt địa linh
Từng bước đi đưa hương, báo đáp Thần linh
Đời đời thờ Thần, mãi mãi hoà bình.
Đó là bài thơ ca ngợi Phạm Đôn Lễ (1457 – 1531), vị trạng nguyên quê ở làng Hải Triều (tục gọi là làng Hới), đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình nên được tôn xưng là “Tam nguyên Đôn Lễ”. Vì có công dạy dân làng dệt chiếu cói nên ông còn được gọi là Trạng Chiếu. Ông làm quan đến các chức Tả thị lang, rồi Thượng Thư dưới triều Lê sơ.
Năm 27 tuổi, Phạm Đôn Lễ vào thi Đình, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Mùa hạ, tháng 4, thi hội cho các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Phạm Đôn Lễ 40 người.
Ngày 27, vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về lý số.
Cho bọn Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Doãn Định ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Cảnh 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Minh Đạo 29 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 5 ngày 21, triệu bọn tiến sĩ Phạm Đôn Lễ vào trong Đan Trì. Vua ngự điện Kính Thiên, các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên. Lại bộ ban ân mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, rồi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa Trạng nguyên về nhà”.
Khi nhà vua ra đề thi hỏi về lý số, trong số 40 người vào thi Đình làm văn sách, Phạm Đôn Lễ trả lời xuất sắc hơn cả. Trong bài thi của mình, Phạm Đôn Lễ đã trình bày những hiểu biết sâu rộng của mình về lý số, cũng như vận dụng vào việc trị vì thiên hạ:
“Cái kỳ diệu của lý số là ở trong tâm. Tâm là toàn thể của đạo mà cái kỳ diệu là công dụng lớn của đạo. Đấng nhân quân dùng lý số để chế trị, vốn ở trong tâm ấy, Hoàng đế, Phục Hy, Đại Vũ nắm cái tâm ấy mà chế tác tinh vi; Chu, Trình, Trương, Chu làm sáng tỏ cái tâm ấy mà trước thuật tường tận đầy đủ. Tâm ôi! Tâm ôi. Tâm là khởi đầu của chế tác chăng? Tâm là gốc rễ của sự cai trị, sự học chăng? Biết được điều đó thì cái học về lý số, sự cai trị của đế vương có thể nói ra được…
Tấm lòng của đấng nhân quân vốn muôn vàn biến hóa, sở dĩ bù đắp được trời đất là vì vậy. Một tấm lòng trong sáng thì vạn vật được dưỡng nuôi, một tấm lòng ngay ngắn thì trăm độ được ngay thẳng, sự lớn lao của trời đất sao có thể ở ngoài tấm lòng ấy…”
Sau khi đỗ Trạng nguyên, Phạm Đôn Lễ được cử giữ chức Hàn lâm thừa chỉ, sau đó thăng lên chức Tả Thị lang hàm Thượng thư và được cử đi sứ triều Minh.
Trên đường đi sứ qua vùng Quế Lâm, thấy phong cảnh nơi đây hữu tình, đoàn sứ dừng lại thưởng lãm. Phạm Đôn Lễ tình cờ thấy người dân dệt chiếu nhưng dùng kỹ thuật khác với người dân quê ông, dệt nhanh hơn, cho ra những tấm chiếu đẹp và bền hơn. Thế là ông quyết tâm đưa kỹ thuật dệt này về quê nhà.
Hoàn thành trách nhiệm đi sứ, khi về qua Quế Lâm, Phạm Đôn Lễ mua bàn dệt chiếu rồi mang về làng Hới. Ông gọi người phường dệt đến tháo nó ra để nghiên cứu nhưng họ than khó và bỏ cuộc.
Phạm Đôn Lễ bèn tự nghiên cứu. Nhờ tư chất thông minh, ông nhanh chóng nắm được cách dệt và truyền lại cho người dân. Từ đó, nhờ phương pháp dệt mới, chiếu làng Hới nổi tiếng khắp vùng.
Phạm Đôn Lễ sai người đóng thêm bàn dệt, truyền nghề cho làng khác. Ông còn chỉ dân cách trồng và chăm sóc cói. Nhờ quyết tâm của Phạm Đôn Lễ, cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá. Mọi người yêu mến, gọi ông là Trạng Chiếu.
“Vị Thần giáng xuống ánh sáng rực rỡ; Mây sáng phiêu diêu, xa giá lượn quanh”
Phạm Đôn Lễ nổi tiếng là vị quan thanh liêm, hết mực thương dân, tính tình lại cương trực, cực ghét bọn nịnh thần. Dưới thời vua Lê Uy Mục, triều đình suy thoái, gian thần lộng hành. Phạm Đôn Lễ, lúc đó đã làm đến chức Thượng thư, trở thành đối tượng bị công kích.
Biết chuyện bản thân bị hãm hại, ông liền từ quan, dẫn theo vợ con đến nhiều địa phương để dạy học, truyền nghề dệt chiếu và quyết định định cư tại làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Sau khi ông qua đời, dân làng cảm kích tấm lòng vị trạng nguyên liêm khiết nên xây lăng mộ khá quy mô.
Quê nhà làng Hải Triều cũng lập đền thờ Phạm Đôn Lễ và chạm khắc bài thơ ca ngợi ông, trong đó liên tục nhắc đến chữ “Thần”. Trong tâm khảm của người dân, có lẽ Phạm Đôn Lễ là một vị Thần đã giáng hạ trần gian để truyền dạy văn hoá, khai sáng văn minh Đại Việt.
Khiêm Từ (tổng hợp và biên soạn)