Thời Xuân Thu Chiến Quốc có rất nhiều thầy xem tướng số, nhưng nổi tiếng nhất là Cô Bố Tử Khanh. Người này rất am hiểu về thuật xem tướng, hơn nữa cách lý giải của ông cũng khác với những vị thầy tướng số khác. Có một lần, ông xem tướng cho Khổng Tử và để lại thuật ngữ “chó nhà có tang”...
Theo như cách mà Tử Cống và Khổng Tử trao đổi, thì Cô Bố Tử Khanh là người có phong cách và đặc điểm khác với thầy tướng số bình thường. Một ngày nọ, Khổng Tử đi ra khỏi nước Vệ theo cửa Đông, xe ngựa của Cô Bố Tử Khanh cũng vừa khớp tiến đến. Khổng Tử nói với học trò: “Các trò hãy tránh đi một chút, có người muốn đến tìm ta. Người này nhất định muốn xem tướng mạo ta, hãy nhớ kỹ lời mà người này nói”.
Lúc này, Cô Bố Tử Khanh cũng nói với học trò của mình: “Các trò hãy tránh đi một chút, một vị Thánh nhân đang đi tới”.
Khổng Tử xuống xe đi bộ, Cô Bố Tử Khanh nhìn Khổng Tử đi 50 bước, lại nhìn từ phía sau xem Khổng Tử bước 50 bước. Lúc này, Cô Bố Tử Khanh hỏi Tử Cống – người đang đứng cạnh ông rằng: “Người này làm nghề gì?”. Tử Cống nói: “Ông ta là thầy của tôi, tên là Khổng Tử, người nước Lỗ”.
Cô Bố Tử Khanh nói: “Là Khổng Tử người nước Lỗ sao? Ta nghe danh ông ấy từ lâu”.
Tử Cống hỏi: “Ông xem Thầy của ta như thế nào?”.
Cô Bố Tử Khanh nói: “Ông ấy có cái trán của Nghiêu đế, mắt của Thuấn đế, cổ của Đại Vũ, miệng của Cao Đào, nhìn từ phía trước, là tướng mạo hiên ngang của bậc đế vương. Nhìn từ phía sau, vai cao, lưng gầy yếu, chỉ có điểm này cản không nổi bốn vị Thánh nhân”.
Nghe vậy, Tử Cống chỉ biết thở dài một tiếng. Cô Bố Tử Khanh lại nói: “Ngươi buồn chuyện gì vậy? Không sợ vất vả bôn ba khắp nơi, chăm chỉ truyền giảng đạo đức mà không cầu được mất cho bản thân. Nhìn từ xa lại thấy dáng vóc của “chó nhà có tang”. Ngươi sầu lo cái gì? Sầu lo cái gì chứ?”.
Tử Cống đem những lời này thuật lại cho Khổng Tử nghe. Khổng Tử thản nhiên không có tỏ thái độ hay ý kiến gì về cách đánh giá của Cô Bố Tử Khanh, tuy nhiên ông cũng từ chối nhận câu nói “chó nhà có tang”. Khổng Tử nói: “Ta đây nào dám đảm đương?”.
Tử Cống hỏi: “Người ấy nói Thầy không ngại gian khổ vất vả, không cầu được mất cho bản thân, trò có thể hiểu được. Nhưng nói: “Chó nhà có tang” là mang ý gì? Vì sao Thầy lại nói không đảm đương nổi?”.
Khổng Tử nói: “Chẳng lẽ trò chưa từng nhìn thấy con chó của nhà có tang sao? Xác của chủ nhân đã được đặt vào quan tài, đồ tế lễ đã bày ra và bắt đầu cúng bái rồi, nhưng con chó vẫn chạy loanh quanh tìm chủ. Chó không được phép đưa tang, nhưng vẫn đang tìm kiếm điều gì đó, muốn làm điều gì đó. Nhưng hiện tại, trên thì vua không anh minh, dưới thì không có người hiền cùng quan lại tài giỏi, vương đạo đã suy vi, quên việc giáo hóa, kẻ mạnh lấn át kẻ yếu, ỷ đông ức hiếp người, dân chúng muốn làm gì liền làm đó, không có quy phạm đạo đức ước thúc. Ông ấy nghĩ rằng Khổng Tử ta còn nghĩ cách gánh chịu trách nhiệm cải biến thế giới, có thể vì thiên hạ làm chút gì đó, thử hỏi ta sao có thể kham nổi?”.
San San.