Trong lịch sử có những người không tín Thần chẳng kính Phật, thậm chí hủy hoại tượng Phật, trộm những đồ vật trong chùa đổi lấy tiền. Xem kết quả những người này là biết lẽ ‘nhân quả báo ứng’ chân thực không hư giả.
Trong sách “Ngọc đường nhàn thoại” có ghi chép câu chuyện như sau.
Chùa Tây Minh ở trong thành Trường An có một cái chuông lớn bằng đồng. Sau khi giặc cướp hoành hành, các tăng đồ phân tán khắp nơi, chùa Tây Minh không một bóng người, ngừng hương hỏa cũng mấy năm rồi. Có người dân nghèo thấy chiếc chuông đồng có lợi liền giấu búa và đục vào tay áo đến chùa Tây Minh trộm đục trộm đồng. Mỗi ngày anh ta đục được 1, 2 cân đồng, sau đó đem ra chợ bán.
Cứ như thế hơn một năm, mọi người đều biết, quan lại cũng không quản. Sau này người nhà bỗng nhiên không tìm thấy anh ta đâu cả, người mua đồng cũng lạ tại sao anh ta không đến bán đồng nữa?
Cuối cùng quan phủ muốn chuyển chiếc chuông đó đến ngôi chùa khác, thấy chiếc chuông rơi xuống nền nhà trên gác chuông. Đến khi mọi người lật được chuông lên thì thấy người trộm đồng đang ôm búa và đục ngồi bên trong, đã chết khô rồi.
Trong sách “Minh báo ký” có ghi chép câu chuyện rằng:
Có một hòa thượng tên là Nghĩa Phu, là người khu vực Thanh Xã, giỏi chơi đàn. Nghĩa Phu sống trong chùa Long Hưng ở Giang Lăng, hành động bí hiểm kỳ lạ. Sư trụ trì đối xử với Nghĩa Phu rất khoan dung, đưa tiền cho ông ta đến Tây Xuyên sao chép kinh tạng. Có người lấy trộm kinh tạng ở một nhà khu vực nọ đem bán, Nghĩa Phu liền mua lại với giá rẻ, số tiền còn lại ông ta giữ lại.
Cuối cùng người ta phát hiện ra, kẻ bán kinh bị chết dưới một gốc cây khô. Nghĩa Phu tuy được miễn tội nhưng sau đó không lâu bị bệnh, hai môi dài ra, như miệng con lừa. Đồng thời Nghĩa Phu phát sốt và đau đớn không thể chịu nổi, ai nấy đều kinh sợ khi trông thấy ông ta. Cuối cùng Nghĩa Phu chịu hết thống khổ rồi chết. Có mấy người trong chùa cũng đã từng bán kinh thư và tượng Phật sợ lắm, lập tức đem hết tiền của ra làm công đức, lấy Nghĩa Phu làm tấm gương răn mình.
Sách “Minh tường ký” có ghi chép câu chuyện như thế này.
Phía nam thành Phượng Châu có chùa Minh Tướng, có thờ mấy pho tượng Phật, đều dát vàng nguyên chất. Sau khi xảy ra họa loạn, kẻ trộm đến đó cạo bột vàng trên tượng Phật bán lấy tiền. Đến khi thời cuộc yên định, lớp vàng dát trên tượng đã bị cạo hết rồi. Nhưng tên trộm đó ghẻ lở khắp người, ngứa ngáy đau đớn khó chịu nổi, thường phải dùng vật để cạo, cạo đến rách hết da đến lớp thịt. Sau đó, thịt cạo hết đến tận xương rồi chết. Tội hủy hoại tượng Phật, báo ứng rõ ràng như thế đó!
Sách “Cảnh giới lục” có ghi chép câu chuyện rằng:
Thời kỳ Ngũ Đại, núi Tam Học huyện Kim Đường có chùa Khai Chiếu. Một đêm, một toán cướp đột nhập vào chùa cướp hết tài sản của tăng đồ. Trong chùa vốn có một chiếc áo cà sa dát sợi vàng của Phật Thích Ca, là báu vật quý hiếm hàng ngàn năm, bị cướp và chia cho một tên cướp họ Tào, hắn cùng vợ tháo vàng ra bán.
Sau đó ngón tay của hai vợ chồng hắn bị rụng từng đốt từng đốt, tóc và râu cũng bị rụng hết. Không lâu sau, sự tình bị bại lộ, hai vợ chồng họ bị quan phủ xử trảm, bêu thây ngoài chợ.
Sách “Cảnh giới lục” có chép câu chuyện rằng:
Thời Ngũ Đại, nước Thục có một viên quan là Đồng Giang. Ông dẫn quân tiến đánh Lãng Châu. Binh sỹ chém giết đốt phá cướp bóc, phố xá ngõ ngách bị cướp sạch trơn.
Trên đường qua một ngôi chùa, thấy trong chùa có một chiếc chuông lớn. Một tên lính khiêng một tảng đá lớn đến đập chuông, hắn muốn đập vỡ nhỏ ra rồi đem bán. Những mảnh chuông vỡ bắn tóe ra xung quanh, trong đó có một miếng cứ như có mắt vậy, văng trúng vào ống chân tên lính, làm gẫy 2 chân. Cuối cùng hắn chết trong đau đớn.
***
Chùa chiền là nơi thờ phụng Thần Phật hoặc nơi ở của những người trong tôn giáo. Kinh Phật viết rằng, cố ý hủy hoại tượng Phật, phá hủy chùa chiền là tội lớn rất nặng trong ‘ngũ nghịch thập ác’, ắt sẽ đọa xuống địa ngục vô gián, ngàn vạn ức kiếp cũng không thoát ra được.
“Người đang làm Trời đang nhìn” – những câu chuyện chân thực ở trên lại lần nữa minh chứng ‘nhân quả báo ứng’ chân thực không hư giả, làm bài học đáng giá cho người đời.
Kiến Thiện.