Giọng nói của con người có đặc trưng của hình tượng ngũ hành, mỗi giọng đều mang theo đặc trưng sang hay hèn, có phúc khí hay không và hành sự có thành công hay không.
Phương pháp toán mệnh có rất nhiều, ví dụ như xem giờ sinh Tử bình bát tự, Chu dịch bát quái, Thái Ất Thần số, Đại lục nhâm, Kỳ môn độn giáp, Mai hoa dịch số, Thiết bản Thần số, Tử vi đẩu số, tướng mặt, tướng tay, xem sao, chiêm bói, đoán xương, đoán chữ, túc mệnh thông, Chương liễu Thần… Trừ Chương liễu Thần là nuôi Đồng linh để xem đoán, tiền vận linh nghiệm, hậu vận không linh nghiệm, các phương pháp toán mệnh khác đều phải xây dựng dưới tiền đề “Vận mệnh con người đã được định trước”, sau đó vận dụng các phương pháp khác nhau để tính toán.
Nếu chúng ta vận dụng những phương pháp toán mệnh trên để dự đoán vận mệnh một người, sau đó đem đối chiếu với những gì mà người này thực sự trải qua thì có thể chứng minh được vận mệnh con người có phải đã được định trước hay không.
Nói cách khác, nếu vận mệnh con người không phải đã được định trước từ khi sinh ra thì những phương pháp toán mệnh trên tính toán ra kết quả sẽ không ứng nghiệm. Chúng ta cùng xem trường hợp nhà thư họa Đổng Bang Đạt đời Thanh được ghi lại trong cuốn sách “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Hàn lâm Đại học sỹ Kỷ Hiểu Lam.
Đổng Bang Đạt (1696 – 1769) người Phú Dương tỉnh Chiết Giang, làm quan đời Thanh, đồng thời là nhà thư họa nổi tiếng, là tiến sỹ năm Ung Chính thứ 11, tên thụy là Văn Khác. Khi ông làm Thị lang bộ Công, ông đã kể lại chuyện của mình.
Thuở nhỏ, ông ở dưới quê huyện Phú Dương. Một hôm, ở nhà hàng xóm có một cụ già trong thôn ngồi chơi, nghe tiếng ông đọc sách bèn nói: “Đây là quý nhân đó”, và xin được gặp ông.
Cụ già ngắm nghía ông kỹ lưỡng nhiều lần, lại hỏi ông ngày giờ sinh. Sau đó cụ trầm tư rất lâu rồi nói: “Vận mệnh, tướng mạo của cậu đều là quý tướng nhất phẩm, nên đến năm này sẽ làm tri huyện, đến năm này quản lý huyện lớn, đến năm này sẽ thăng làm thực tế thăng thụ, đến năm này sẽ thăng làm thông phán, đến năm này sẽ thăng làm tri phủ, đến năm này sẽ từ chức tri phủ thăng làm bố chính sứ, đến năm này thăng làm tuần phủ, đến năm này sẽ thăng làm tổng đốc. Mong cậu hãy quý trọng bản thân, đến lúc đó sẽ biết tôi nói không sai”.
Sau này, ông không gặp lại cụ già này lần nào nữa.
Rõ ràng cụ già thôn quê này là người hiểu các phương pháp toán mệnh như xem tướng mặt, giờ sinh. Đầu tiên là nghe giọng đọc sách của ông liền biết ông sau này là một quý nhân. Bởi vì trong tướng học, nghe giọng nói một người cũng có thể đoán ra rất nhiều sự tình. Trong sách tướng viết:
“Giọng nói là một trong những mấu chốt quan trọng để xem tướng người, vô cùng quan trọng. Xem xét phân biệt kỹ lưỡng thì hầu như là không sai. Nếu không thì sao có thể nghe giọng nói mà phân biệt được người quân tử và kẻ tiểu nhân”.
“Con người thiên bẩm hình hài từ ngũ hành cho nên thanh khí cũng tương xứng với hình tượng của ngũ hành. Thế nên thanh thổ thì thâm hậu, thanh mộc thì cao vang, thanh hỏa thì cường liệt, thanh thủy thì chậm mềm, thanh kim thì hòa nhuận. Cũng viết rằng: Người giọng nói nhẹ thì không có khả năng quyết đoán sự việc. Người có giọng nói phá thanh thì làm việc không thành công. Người có giọng nói đục thì vận mưu không phát. Người có giọng nói thấp thì thô lỗ không văn vẻ. Người có giọng nói trong trẻo ngân nga như nước suối chảy thì cực hiển quý. Người có giọng nói trôi chảy vang rõ, tự thấy như tiếng vọng trong vại thì chính là người ngũ phúc đủ đầy”.
Điều đó có nghĩa là giọng nói của con người có đặc trưng của hình tượng ngũ hành, mỗi giọng đều mang theo đặc trưng sang hay hèn, có phúc khí hay không và hành sự có thành công hay không.
Sau này thực tế phát triển như thế nào? Ban đầu, Đổng Văn Khác Công phát hiện ra dường như không hoàn toàn đúng, bởi vì trong những năm nói trên, ông đã đảm nhận qua các chức quan thất phẩm bộ Hộ, Thứ khởi sỹ, Biện tu, Trung duẫn, Thị độc học sỹ, Nội các học sỹ và Thị lang bộ Công, chức danh cũng không giống như đã dự đoán. Nhưng xem xét kỹ lưỡng cả cuộc đời, cái gọi là tri huyện, chính là quan thất phẩm bộ Hộ chọn từ cống sinh. Thăng quan quản lý huyện lớn, chính là Thứ khởi sỹ. Thực tế thăng thụ chính là Biện tu. Thông phán chính là Trung duẫn. Tri phủ chính là Thị độc học sỹ. Bố chính sứ chính là Nội các học sỹ. Tuần phủ chính là Thị lang bộ Công. Quan phẩm, bổng lộc đều phù hợp, năm thăng quan cũng đều phù hợp, chỉ là con đường của nội quan (quan trong triều) và ngoại quan (quan ngoài triều) và tên gọi quan vị khác nhau mà thôi.
Khi Đổng Văn Khác Công kể lại những điều này với mọi người chính là lúc ông đang làm Thị lang bộ Công. Còn nói về “năm này thăng tổng đốc” thì lúc ấy chưa đến thời gian đó. Sau này, Đổng Công vào năm đó được thăng làm Thượng thư bộ Lễ, quan phẩm và bổng lộc quả nhiên phù hợp với lời đoán “năm này thăng làm tổng đốc”.
Trong sách “Hứa phụ thính thanh thiên” có viết: “Giọng nói nhỏ mà cao vang là người cực hiền năng và hiển quý. Lời nói nhỏ nhẹ non nớt ắt sẽ bần hàn và nguy khốn. Phụ nữ giọng đàn ông thì cả đời không vinh hiển, chồng chết sớm, chỉ có cái danh suông là có chồng. Đàn ông giọng phụ nữ thì phương hại đến vợ. Phụ nữ giọng cấp thiết thì phương hại đến chồng”.
Ví dụ, một cô gái trẻ nếu giọng nói của cô giống giọng đàn ông, lại có chút khàn khàn thì trong dân gian thường nói là “giọng vịt đực”. Cô gái như thế này thì tương lai hôn nhân sẽ có vấn đề.
Hồi tôi đi làm ở nhà máy, lúc đó đang học xem tướng tay, tướng mặt. Khi đó có một số học sinh được phê là “thành phần xuất thân tốt”, sau khi tốt nghiệp được phân công đến nhà máy chúng tôi. Trong số đó có một cô gái độ 18, 19 tuổi, cô nói giọng giống như giọng đàn ông, có chút khàn khàn, do đó tôi để ý đến sự phát triển của cô sau này.
Lúc đó đang là thời kỳ đầu Cách mạng văn hóa, các trường học, nhà máy khắp nơi thành lập các tổ chức Hồng vệ binh. Nhà máy chúng tôi thành lập tổ chức Cờ đỏ. Một số thanh niên bình thường hoạt bát năng nổ đã gia nhập tổ chức này, nói là “làm cách mạng”. Cô gái nói trên sau này kết hôn với một người cầm đầu tổ chức Cờ đỏ, sinh được một con gái. Nhưng không đến 2, 3 năm sau, những người “làm cách mạng” này bị gọi là “phái tạo phản” và bị thanh toán. Chồng cô là người cầm đầu, bị xử tù 8 năm, con gái cô mới vài tuổi, cuộc sống sau đó vô cùng gian khổ.
Sau này tôi ra nước ngoài sinh sống, lại gặp một số trường hợp giống như vậy, hôn nhân cũng xuất hiện vấn đề. Chuyện tướng mệnh đã ứng nghiệm như thế này, có thể thấy không phải là ngẫu nhiên, vận mệnh là đã định trước rồi. Do đó, cụ già thôn quê nghe giọng đọc sách của Đổng Bang Đạt liền biết sau này sẽ đại hiển quý. Nhưng thời gian nào phát quý? Hiển quý đến mức độ như thế nào? Để phán đoán chính xác hơn thì cần phải xem tướng mặt, xem giờ sinh, sau đó tính toán đoán ra vận mệnh tương lai của ông.
Rất nhiều người nói đến toán mệnh thì cho rằng điều gì cũng có thể tính toán ra được, ví như gần đây tôi đã xảy ra sự tình gì? Vợ tôi họ tên là gì?… Thực ra, đây là một loại hiểu lầm, nó có liên quan đến vấn đề nhận thức toán mệnh bằng giờ sinh như thế nào.
Bởi vì toán mệnh có rất nhiều phương pháp, có loại có thể tính toán ra những sự tình chi tiết, nhưng những sự việc xa thì lại chưa chắc đã chính xác. Các phái đều có sở trường sở đoản riêng, không phải một môn là có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu và vấn đề của con người.
Toán mệnh giờ sinh về phương diện xem giàu nghèo sang hèn cả đời con người, xem tuổi thọ thì có ưu thế lớn, suy đoán ra vận mệnh cuộc đời một người lên xuống ra sao thì không phải nghi ngờ, hôn nhân tốt xấu cũng rất ứng nghiệm. Tuy nhiên, hỏi về các sự việc nhỏ cụ thể thì không phải sở trường của toán mệnh giờ sinh. Những việc nhỏ chi tiết thì có thể dùng Đại lục nhâm, Mai hoa dịch số, Thiết bản Thần số, trắc tự, chiêm bốc và công năng Túc mệnh thông để xem thì có thể xem được.
Do đó, cụ già thôn quê nói trên có thể xem được vận mệnh của Đổng Văn Khác đến mức độ như thế thì đã là vô cùng đầy đủ rồi. Nếu vận mệnh không phải đã định từ trước khi sinh ra thì sao có thể dự đoán được tương lai chính xác như thế này? Nếu Đổng Văn Khác Công sau này chỉ là một anh phu xe hoặc một anh thợ rèn thì mới chứng minh vận mệnh không phải là tiền định, thuật toán mệnh là lừa đảo khoác lác.
Kiến Thiện