Mỗi khi xuân về, đồng bào dân tộc Lào ở Lai Châu lại tổ chức lễ hội Căm Mường truyền thống cầu khấn thần sông, thần núi, ông bà, tổ tiên phù hộ cho con cháu làm ăn thuận lợi.
Ngay từ sáng 30 tết, tiếng trống đã nổi lên rộn ràng. Thầy cúng chuẩn bị 7 mâm lễ vật dâng cúng các vị thần và ông bà tổ tiên gồm: vòng cổ, vòng tay bằng bạc, vải thô trắng, vải thổ cẩm tự dệt...
Bên cạnh đó còn có trầu, vỏ, vôi, những đoạn sợi tẩm sáp ong, cung nỏ, gươm, con quay bằng gỗ... Đến trưa, đoàn rước đi đầu là các thanh niên đội mâm lễ, tiếp đó là thầy cúng, các cụ già, sau cùng là bà con dân bản nhằm hướng cửa rừng, vừa đi vừa đánh trống chiêng rộn rã. Trong rừng, một nhà thờ dựng bằng tre nứa có sàn gỗ được đặt dưới một gốc cây to. Thầy cúng bày lễ vật vào 7 gian thờ, bắt đầu là gian chính thờ tổ tiên, tiếp đó là ông bà, các vị thần sông, thần núi, thần rừng, thần đất... Thầy cúng thắp những ngọn nến bằng sáp ong và đọc lời cầu khấn mời các vị thần, ông bà tổ tiên về dự cùng con cháu.
Buổi lễ kết thúc, thức ăn và rượu cần được bày ra, mọi người vừa ăn uống vui vẻ vừa nhảy múa quanh đống lửa rừng tới khuya còn thầy cúng và các cụ già thì đặt tên bí danh cho những thanh niên mới lớn. Từ mồng 1 tới mồng 5 tết âm lịch là những ngày hội của bản. Mỗi buổi sáng, các cụ già trong các gia đình lại mở một chum rượu cần ra cúng tổ tiên rồi mời mọi người đến chúc phúc cùng uống,chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đánh quay...