Con người có số mệnh không? Có thay đổi được số mệnh không?
Và chúng ta cũng biết rằng: Số mệnh của một người là do trời định nhưng phúc họa của một người lại là do bản thân tự chiêu mời. Một người có số mệnh không may mắn nhưng vẫn có thể cải biến được, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người.
Mời bạn đọc cùng tham khảo bài tổng hợp của tôi dưới đây để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Có cải được số mệnh hay không?
Câu chuyện cải số của - VIÊN LIỄU PHÀM
Viên Liễu Phàm tên thật là Viên Hoàng (1533 - 1606) là người Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, sống vào triều đại nhà Minh. Một lần, vào năm Viên Liễu Phàm 15 tuổi, ông đã đến chùa Vân Tự và gặp một ông lão họ Khổng. Khổng tiên sinh là đệ tử của Thiệu Khang Tiết, người có khả năng tiên tri nên cũng tinh thông đoán vận số.
Khổng tiên sinh đã xem cho Viên Liễu Phàm một quẻ bói. Ông nói: “Con thi huyện đứng thứ 14, thi phủ đứng thứ 71, thi đề học đứng thứ 9”. Đến năm sau, Viên Liễu Phàm dự thi ba cấp này, thứ tự xếp hạng đều giống như lời Khổng tiên sinh đoán, hoàn toàn không sai một điểm.
Sau đó, Khổng tiên sinh còn xem phúc họa, cát hung có trong cả đời cho Viên Liễu Phàm, ông nói rõ năm nào thi đậu, xếp hạng thứ mấy, năm nào được lẫm sinh (tức là những học trò được học bổng của các châu, huyện, hoặc phủ thời xưa), năm nào được cống sinh (tức là học trò giỏi thời xưa được chọn qua các kì thi sát hạch ở tỉnh, được cấp lương ăn để chuẩn bị đi thi Đình).
Khổng tiên sinh còn nói: “Sau khi con là cống sinh thì sẽ được chọn làm huyện trưởng huyện Tứ Xuyên. Sau khi đảm nhiệm chức huyện trưởng Tứ Xuyên được ba năm rưỡi thì con từ chức hồi hương. Vào giờ sửu ngày 14 tháng 8 năm 53 tuổi thì mất, tiếc là trong mệnh của con không có con”.
Những lời tiên đoán này của Khổng tiên sinh, Viên Liễn Phàm từng chữ từng chữ đều ghi nhớ, hơn nữa còn ghi chép lại. Từ đó về sau, phàm là tham dự cuộc thi nào thì thứ tự xếp hạng và cho cả sau này làm quan, từng việc từng việc đều ứng nghiệm, đều không nằm ngoài sự tiên đoán của Khổng tiên sinh. Vì vậy, Viên Liễu Phàm ấn định trong đầu mình rằng, một người khi nào được sinh ra, khi nào chết đi, khi nào đắc ý, khi nào thất ý đều có một cái định số, hết thảy đều là đã được định sẵn rồi và không có cách nào cải biến được.
Về sau, Viên Liễu Phàm quen biết thiền sư Vân Cốc, thiền sư đã nói: “Một người cực thiện, cho dù vốn trong số mệnh đã định là khổ cực, nhưng anh ta làm việc đại thiện thì sức mạnh của việc thiện này có thể biến khổ hạnh thành sung sướng, nghèo hèn, đoản mệnh biến thành phú quý, trường thọ. Còn một người cực ác, cho dù vốn trong số mệnh đã định là hạnh phúc, sung sướng nhưng nếu như anh ta làm việc đại ác thì sức mạnh của việc ác này có thể biến phúc trở thành họa, phú quý, trường thọ biến thành nghèo hèn, đoản mệnh. Cho nên, nếu như làm việc ác thì tự nhiên sẽ giảm phúc, làm việc thiện thì tự nhiên sẽ đắc phúc.”
Những lời nói này như đánh thức người trong mộng, giúp Viên Liễu Phàm tỉnh ngộ. Từ đây, Viên Liễu Phàm bắt đầu thay đổi bản thân mình. Viên Liễu Phàm ban đầu có tên hiệu là “Hải Học” nhưng sau ngày đó, ông đã sửa thành “Liễu Phàm”. Bởi vì ông đã minh bạch đạo lý lập mệnh, không muốn giống người phàm phu cho nên mới sửa tên hiệu thành “Liễu Phàm”. Sau khi nghe được những lời của thiền sư Vân Cốc, từ một người tùy tiện hồ đồ, ông đã trở thành một người cung kính, cẩn thận. Cho dù là ở phòng tối, nơi không có người, ông cũng luôn nhắc nhở mình không được làm việc sai mà phạm tội với trời. Gặp phải người ghét mình, phỉ báng mình, ông cũng thản nhiên mà bỏ qua, không so đo tính toán.
Một năm sau khi gặp thiền sư Vân Cốc, đến kỳ thi Đình, theo như lời tiên đoán của Khổng tiên sinh là ông sẽ đỗ xếp thứ hạng 3 nhưng không ngờ lại xếp thứ nhất. Lời tiên đoán của Khổng tiên sinh bắt đầu mất linh nghiệm. Khổng tiên sinh đoán ông không thi đỗ cử nhân, không ngờ đến kỳ thi hương mùa thu năm đó, ông đã thi đỗ cử nhân. Đây đều là những điều mà trong mệnh của ông vốn không định trước.
Thế là từ đó về sau, Viên Liễu Phàm càng yêu cầu nghiêm khắc hơn với bản thân mình, không được thấy việc thiện nhỏ mà không làm, không được thấy việc ác nhỏ mà làm, luôn tự xét lại bản thân và sửa đổi, tận sức tu thân tích đức làm việc thiện.
Kết quả thực sự là “đoạn ác tu thiện, họa tiêu phúc đến”. Vào năm Tân Tị, vợ Viên Liễu Phàm đã sinh được một người con trai, đặt tên là Thiên Khải. Từ đây, ông càng tin vào lời của thiền sư Vân Cốc, ra sức làm việc thiện. Quả nhiên, mấy năm sau, đến năm Bính Tuất, ông tự nhiên lại thi đỗ tiến sĩ, bộ Lại bèn bổ nhiệm Viên Liễu Phàm làm chức quan huyện lệnh. Đến năm ông 53 tuổi cũng không có tai họa xảy ra như lời Khổng tiên sinh đoán, ngay cả ốm đau cũng không bị. Ông sống khỏe mạnh đến năm 74 tuổi thì qua đời.
Viên Liễu Phàm cũng viết bốn cuốn sách dùng làm lời giáo huấn, gọi là “Giới tử văn” nhằm giáo giới người con trai Viên Thiên Khải của ông hiểu rõ về chân tướng của số mệnh, phân biệt rõ tiêu chuẩn thiện ác. Ngoài ra, ông cũng đem tất cả những trải nghiệm thực đã xảy ra trong cuộc đời mình và cách cải biến vận mệnh của mình để viết lên cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” để lưu truyền lại cho người đời sau.
Quan điểm của soạn giả Tử Vi - NGUYỄN PHÚC VĨNH TƯỜNG:
Con người từ khi bước chân vào đời ai cũng hăm hở, lạc quan và đầy lòng tự tin. Ở vào cái tuổi mà người ta gọi là "Tam Thập Nhị Lập" ít có ai nghĩ đến hai chữ "số mệnh". Nhưng dần dần khi đã va chạm với cuộc sống, trải qua một vài lần thất bại đổ vỡ ... thì lúc đó mới bắt đầu thấm mệt mới bắt đầu hiểu ý của Nguyễn Du, "có tài mà cậy chi tài" hoặc có phần khắt khe và hoàn toàn ràng buộc vào cái ý niệm "thiên mệnh" là "bởi số, chạy đâu cho khỏi số?"
Tin hay không tin, tin ít hay nhiều, mức độ tin tưởng sẽ tỷ lệ theo tuổi đời, và có thể tin sớm hay tin muộn vào hai chữ 'số mệnh" thì cũng còn tùy thuộc đường đời của mỗi người, là con đường đầy hoa lá hay sỏi đá chông gai? Và người Á Đông của chúng ta cho rằng, vào khoảng lứa tuổi 40, có thể gọi là khoảng đời mà con người đã "tận nhân lực" cho nên có thể bắt đầu "tri thiên mệnh"
Như vậy biết số để làm gì? Và biết số rồi có cải được hay không?
Vấn đề đầu tiên, biết số để làm gì, biết số có lợi ích gì không, là những điều có thể có câu trả lời tương đối dễ dàng. Có người nói rằng:
- Tôi không bao giờ xem Tử Vi, biết rồi thêm buồn thêm lo mà thôi.
Khi nói như vậy, họ đã hàm ý tin rằng mỗi người đều có số mệnh, và ít nhiều họ đã thấy hay cảm thấy được cuộc đời của họ không có gì lạc quan lắm, cho nên chấp nhận một cuộc sống "đến đâu hay đến đó" biết trước chỉ thêm lo nghĩ mà không làm được gì để thay đổi.
Nhóm người này rất ít và mang cái tâm trạng của loài đà điểu, sợ thì chui đầu xuống đất cát, còn hầu hết đều muốn biết số của mình như thế nào. Và những người này lại có hai quan niệm, một thụ động và một chủ động. Những người thụ động là khi biết số của mình rồi thì thôi, phó mặc cho số như "thuyền đời mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu" ngược lại, những người có quan niệm chủ động thì họ tin vào số, dựa vào số, nương theo số để tránh hết những trở ngại mà họ đã biết trước. Đây chưa phải là một hình thức cải số mà chúng ta sẽ đề cập đến. Có thể nói đây là một hình thức tích cực của sự cải số, biết số và làm đúng với số cũng là một cách giúp chúng ta tránh được phần nào trở ngại, có thể là những trở ngại nhỏ nhặt, nhưng cũng có thể là những nguyên nhân đưa đến những sự thất bại to lớn. Ví dụ, người Mệnh Vô Chính Diệu, nếu biết số của người Vô Chính Diệu là không nên đứng mũi chịu sào, có nghĩa là nếu trong quân đội thì không nên giữ chức vị trưởng, dù lớn hay nhỏ, hoặc bên hành chánh thì không nên giữ những chức vụ như trưởng phòng, giám đốc v.v... hoặc trong lãnh vực làm ăn kinh doanh thì không nên là người ra mặt điều hành. Một ví dụ khác, người làm ăn mua bán nếu biết hạn của mình năm nay không tốt thì họ chỉ giữ cơ sở của họ như cũ chứ không bỏ công bỏ của để khuếch trương phát triển rồi chuốc lấy sự thất bại lỗ lã. Còn ngược lại, nếu biết là hạn tốt, họ sẽ mạnh dạn mạo hiểm hơn mà vẫn gặt hái được những thành qủa như ý. Và trên khía cạnh tiêu cực, nếu mình biết trước số mình nghèo, tình duyên mình lận đận, con cái mình sẽ hư hỏng, về già mình sẽ cô đơn lẻ bóng v.v...thì ít ra mình đã biết, đã ít nhiều có sự chuẩn bị về tâm lý. Khi sự việc xảy đến, những ảnh hưởng về tinh thần sẽ có phần nhẹ nhàng, có thể chịu đựng được và có thể vượt qua dễ dàng hơn là trường hợp bất ngờ.
Đi xa hơn, bậc làm cha mẹ nếu biết được số mệnh là một điều rất hữu ích trong vấn đề giúp đỡ con cái của mình. Mặc dù chúng ta vẫn nói, không ai hiểu con cái bằng cha mẹ, nhưng thật ra sự hiểu biết của cha mẹ về con cái rất hạn hẹp. Ngoài tính tình và những sở thích hiện tại, có nghĩa là đang trong lứa tuối đó của mỗi đứa con, thì cha mẹ không thể nào nhìn thấy được những biến chuyển và những thay đổi trong tương lai của mỗi đứa con của mình. Nhưng khoa Tử Vi có thể nhìn thấy được những điều đó và giúp cho cha mẹ hiểu rõ năng khiếu, sở trường, sở đoản của mỗi đứa con để hướng dẫn con cái chọn ngành mà học, chọn nghề mà làm. Nói chung, nếu cha mẹ có thể nhìn thấy trước cuộc đời của con mình, sung sướng hay cực khổ, may mắn hay gian truân, tình cảm được hạnh phúc hay lận đận, thì ít ra cha mẹ cũng có sự bù đắp trước về mặt tâm lý giúp cho con cái khỏi bị ngỡ ngàng và thất vọng khi phải đối diện với nghịch cảnh của đời mình.
Trên một phương diện khác, biết số là một yếu tố hữu ích cho thuật dùng người. Ba chữ "thuật dùng người" không hẳn mình phải là một cấp lãnh đạo, chỉ huy v.v... nhưng trong vấn đề hợp tác làm ăn với nhau, biết rõ người hợp tác với mình cũng là một điều quan trọng. Hoặc trong vấn đề giao thiệp của cuộc sống hằng ngày, biết số giúp mình biết người và khỏi lầm người thì cũng tránh được sự ân hận về sau.
Những điều vừa nêu trên đề cập vấn đề chúng ta biết số và thuận theo số, như vậy biết số rồi, chúng ta có cải số được hay không?
Đối nghịch lại với quan niệm "thiên mệnh" là quan niệm "nhân định thắng thiên" Nhân sinh quan này phản ảnh phần nào khả năng tự tôn của con người, sự phấn đấu là tự tin của những tâm hồn lạc quan. Trong những bộ môn Khoa Học Huyền Bí thì môn Phong Thủy, Tướng Mệnh, và Tử Vi Đẩu Số đều đề cập đến phần nhân định, có nghĩa là con người có phần nào chủ động trong số mệnh của họ, chỉ khác nhau ở chỗ mức độ mà con người có thể cùng tạo hoá dự phần vào sự thay đổi số phận của mình.
Nói như vậy là chúng ta đã sớm có câu trả lời, con người có thể cải số được nhưng rất hạn hẹp và chỉ ở một mức độ nào đó thôi chứ không thể nào thay đổi, lật ngược lại cả 180 độ. Trong những môn vừa nêu trên thì khoa Phong Thủy có thể sửa đổi một cách dễ dàng nhất vì đối tượng của Phong Thủy là nhà ở, cơ sở thương mại hay mộ phần. Về khoa Tướng Mệnh, sự sửa đổi không thể nhờ vào khoa thẩm mỹ mà chỉ đặt trên yếu tố cái tâm của con người, "tướng tùy tâm sinh" Và khoa Tử Vi mà chúng ta đề cập ở đây chỉ dẫn cho chúng ta những trường hợp và phương cách cải số nhưng xét ra cũng rất hạn chế và kết qủa của cuộc cải số này vẫn còn ràng buộc chặt chẽ vào những yếu tố quan trọng mà con người khó lòng kiểm chứng được, đó là phúc đức của mỗi người. Khi nói phúc đức của mỗi người chúng ta đã hiểu rằng phúc đức tạo được do chính bản thân mình tạo ra và phúc đức mà mình thừa hưởng được từ cha mẹ, ông bà hay nói chung là của dòng họ.
Như vậy, chúng ta đã nói biết số và thuận theo số cũng là một hình thức cải số nhưng tiêu cực. Còn những cách cải số tích cực hơn nhưng cũng rất hạn hẹp, ví dụ, một vài trường hợp thấy trong các sách Tử Vi như nếu một đứa con nào đó có số khắc với cha mẹ thì đứa con ấy sẽ bị đau ốm, bệnh tật hoặc là có thể từ khi sinh ra đứa con này, cha mẹ của nó thường hay gặp những chuyện không may như mất việc, làm ăn thua lỗ v.v...Trong trường hợp này, cách hóa giải là cho đứa con ở với ông bà nội/ngoại, hay chú bác cô dì...
Cách hóa giải của khoa Tử Vi thoạt nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng thực tế thì đây là một vấn đề rất tế nhị. Có cha mẹ nào sinh con ra mà không muốn chính tay mình nuôi con. Ở đây chưa nói đến sự ảnh hưởng sâu xa về tâm lý sau này của đứa bé. Tuy vậy, nếu làm được thì đổi lại sự bình yên cho cả hai bên, cha mẹ và con cái.
Một ví dụ khác như đối với những người con gái mà khoa Tử Vi gọi là "cao số" hoặc có số hình khắc với chồng con, nặng nề hơn là số sát phu thì những lời khuyên thông thường là không nên cử hành đám cưới hỏi linh đình, mà càng nên đơn giản, càng lặng lẽ âm thầm càng tốt. Tùy theo mức độ khắc sát nặng nhẹ, hoặc lễ cưới không đốt đèn long phụng, không rướt dâu, hoặc có thể ở mức độ là cô dâu lặng lẽ xách vali về nhà chồng, hay một hình thức khác mà chúng ta thường nghe nói là cưới chạy tang. Cưới chạy tang là trường hợp đôi bên chưa có ý định làm đám cưới, nhưng nếu trong gia đình hai bên có tang, thì đây cũng là một cơ hội hóa giải sự khắc sát nặng nề, những giọt nước mắt ngày sau khóc chồng thì nay đã đổ xuống cho tang sự.
Như vậy, đối với khoa Tử Vi, chúng ta có thể cải số, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó và cũng giới hạn trong một vài lãnh vực. Việc cải số đối với khoa Tử Vi vẫn đặt căn bản trên quan niệm phúc đúc là chính yếu, đức năng thắng số. Cái yếu tố phúc đức này có được hay không là tùy ở cái tâm, cái tánh và hành động của mỗi cá nhân. Ví dụ như một giai đoạn về đức năng thắng số là một cậu bé được ông thầy coi số và nói với cha mẹ cậu ta sẽ không sống qúa tuổi 17. Một ngày tình cờ đi qua con suối, cậu bé thấy tổ kiến có hàng ngàn con kiến đang bị cuốn trôi theo dòng nước. Cậu bé can đảm lội xuống suối để cứu tổ kiến. Và cha mẹ đã ngạc nhiên khi thấy cậu vẫn sống qua tuổi 17.
Còn thời Tam Quốc phân tranh, Khổng Minh Gia Cát Lượng, trên thông thiên văn, dưới rành địa lý, làm phép cầm sao bổn mạng của mình để sống thêm vài năm nữa mà thất bại. Người xưa đã nói: "Nhất tướng công thành vạn cốt khô" Gia Cát Lượng vì phò tá nhà Hán mà đã ra tay đốt chết 10 vạn quân đằng giáp của Mạnh Hoạch trong cốt Hồ Lô, rồi đốt luôn 80 vạn quân Tào trên sông Xích Bích thì như vậy phúc đức còn đâu mà toan cải số ?
Tóm lại, những phương pháp cải số của khoa Tử Vi vừa giới hạn, vừa khó thực hiện. Một cách được xem là căn bản và áp dụng tổng quát là quan niệm "đức năng thắng số"
Nhưng hai chữ phúc đức vừa khó đo lường, vừa có vẻ mơ hồ khiến cho con người đâm ra nghi ngờ và đưa đến những ý nghĩ có vẻ đùa giỡn nhưng cũng phần nào hàm ý sự hoài nghi như có câu " người ngay thường mắc nạn, kẻ ác lại sống lâu." Và nếu đem cái triết lý qủa báo của nhà Phật thì lại đi vào một nghi vấn khác: đâu phải lúc nào cũng thấy "qủa báo nhãn tiền" ? Nếu không "nhãn tiền" thì đến bao giờ? Đi xa qúa sẽ làm lung lay niềm tin của con người.
Quan điểm của đạo giáo - Thầy PHÚC TÂM Pháp sư:
Con người sinh ra có thời điểm được ấn định, cấu thành bát tự là can chi của giờ, ngày, tháng, năm. Kết quả đó được tạo ra từ việc định nghiệp và chuyển nghiệp dựa trên quy định về nhân quả báo ứng đối với một vong hồn. Bởi vậy phúc, họa hay sang, hèn, giàu, nghèo hay tai tật,…đối với mỗi nhân sinh đều phải theo cái duyên phận mà nhận lĩnh để sám hối, sửa đổi, học tập, tu luyện, trả nợ nần ân oán…trong kiếp người, không bất cứ lý do nào có thể làm thay đổi.
Cũng giống như khi đúc một cái nồi nhôm để nấu cơm, người thợ phải tính toán dựa trên tính chất cơ lý hóa của nguyên liệu, khả năng đun nấu, …sau khi đã thành sản phẩm thì cái nồi đó dùng để nấu cơm, canh là hợp lý. Muốn biến nó thành cái chảo để rán thì người ta lại phải đập bẹp nó (phá hủy) rồi cho vào lò đun nóng chảy thành nguyên liệu, sau đó dựa trên những số liệu tính toán kỹ thuật cần thiết mới đổ vào khuôn đúc thành một cái chảo nhôm dùng để rán, chiên, xào..
Hiểu như vậy chúng ta thấy nếu muốn đổi cung đổi số hay là di cung hoán số thì một người nhất định phải từ bỏ cuộc sống hiện tại (chết đi), sau đó trong U Minh Giới vong hồn được xem xét dựa trên nhân quả mà vong đó khi hồn tiền dương thế đã tạo ra để định nghiệp và tiếp tục chuyển nghiệp luân hồi nhận lấy báo ứng.
Một người kiến thức tầm thường, sơ đẳng nhất về tâm linh cũng hiểu được rằng nếu di cung hoán số mà có thật thì khái niệm Nhân Quả sẽ trở thành vô nghĩa dẫn đến loạn âm loạn dương và thầy bà là người có quyền hạn làm được việc đó tại sao không cầu cúng làm cho bản thân thay đổi số phận để trở thành sang giàu phú quý, ông nọ bà kia hay thậm chí làm tổng thống một quốc gia?
Như thế chúng ta đã hiểu rõ ràng lễ di cung hoán số là vô tác dụng và việc này trái với Thiên Quy, vi phạm luật âm giới. Người đồng thầy là người được bề trên cấp lệnh sắc, giao cho quyền hạn, mà không biết cách tìm hiểu, học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn cho thấu đáo để thực hành các công việc tâm linh, tự tung tự tác đổi cung đổi số cho người, sau 10 lần vi phạm là sẽ bị phạt lệnh (ta hiểu là bị xóa bỏ lệnh sắc) khi đó “đồng thầy” thành “đồng thừa”, bị trả “quả” ngay trong hiện kiếp. Bản điện của đồng thầy, nơi thờ Tiên Phật Thánh Thần sẽ hết linh vì các bóng các giá không còn phụng lệnh bề trên giáng ứng nữa, khi đó giả Tiên giả Thánh đương nhiên sẽ có cơ hội tìm đến để tá nhập điều khiển đồng thầy.
Tóm lại lỗi đây chính là do con người kém hiểu biết gây ra, sự truyền thừa không chính phái hoặc bị thuật sĩ giang hồ bày đặt lừa gạt. Đồng thầy kiến thức kém cỏi mà được người đời mê mờ tung hô vạn tuế nên sớm tự mãn, ngập ngụa trong đống tiền bạc bẩn thỉu mà tự lấy làm vinh hoa, chứng đắc quả duyên, nghênh ngang không coi ai ra gì, cho nên mới lầm đường lạc lối không phân biệt nổi chính tà, hay dở làm bừa bãi bất chấp hậu quả.
Nhưng cái giá phải trả sẽ là vô cùng to lớn, hệ lụy liên quan đến con cháu dòng tộc rất là khủng khiếp, khi biết hối hận thì cũng đã muộn rồi.