Những lưu ý khi chọn đất đặt huyệt mộ

Ngày xưa người ta rất kỹ trong vấn đề chọn đất ‘sao cho tốt ảnh hưởng sự phát đạt, hưng thịnh cho con cháu giòng họ sau này. Chính vì sự tin tưởng này mà trước khi an táng ông bà, cha mẹ, tang gia bao giờ cũng chọn ngôi huyệt rất cẩn thận và cũng chính vì vậy, những người khá giả thường xây sinh phần để khi nhắm mắt, con cháu đã có sẵn nơi chôn cất khỏi phải tìm kiếm.
Việc tìm đất thường nhờ các thầy địa lý đảm trách. Ngôi huyệt sẽ được chọn theo sự mong mỏi của con cháu. Có ngôi đất phát giàu có, có ngôi đất phát quan sang, lại có ngôi đất đa đinh con cháu đầy đàn, hoặc phát tiếng tăm lừng lẫy về một phương diện nào đó như: văn chương, võ nghệ, v.v…

Hiện nay, sách về phong thủy và các bài viết hướng dẫn tìm thế đất tốt để đặt huyệt mộ khá nhiều nhưng các bài viết đó hay dùng các thuật ngữ của phong thủy, viết đã dài, lan man, lại không giải thích cụ thể, thậm chí dùng thuật ngữ còn sai.

Ví dụ: “Theo sách địa lý kim cổ ngôi huyệt đúng đất gọi là “huyệt trường”, phải có “tiền án”, “hậu trẫm” (thực ra là “tiền án hậu chẩm” (núi án phía trước, núi gối phía sau), tác giả đã dùng sai thuật ngữ) “tả long”, “hữu hổ”, tức là có những mô đất cao thấp tượng trưng cho án huyệt ao nước, tay long, tay hổ. Ngoài ra trước huyệt phải có “minh đường Thủy tụ” phía sau phải có “long mạch thu thúc”, phía ngoài phải có “bàng sa triều củng”, cốt phải có “tụ khí tàng phong”... Khiến người đọc thấy rối rắm, phức tạp, khó tiếp nhận thông tin cần thiết.

Huyệt dùng cho việc “hung táng”, nghĩa là chôn người mới chết, tuy lựa chọn nhưng cũng không kĩ lưỡng bằng khi chọn huyệt “cát táng”, nghĩa là khi cải táng. Ngôi huyệt lúc cải táng mới là ngôi huyệt vĩnh viễn.

Kinh Dịch có câu: “Thời cổ đại mai táng người chết, thi thể được mặc đầy đủ quần áo, rồi người ta dùng cây cỏ phủ lên trên, giữa đồng ruộng, chứ không dùng quan tài. Thánh nhân hậu thế mới dùng quan tài để cải biến phong khí nói trên”. Đấy là nói về ý tứ của quẻ Đại Quá.

Vì thế, sau đây tổng hợp và soạn 10 điểm lưu ý khi chọn đất để đặt huyệt mộ.

Nếu bạn không nhiều “tham vọng”, chỉ ước muốn “mồ yên mả đẹp” để con cháu được hưởng bình an, phú túc và phát phúc đều đều thì bài viết này có thể giúp bạn tự tìm thế đất tốt đặt huyệt mộ cho người quá cố, đáp ứng niềm mong mỏi của bạn.

1. Nơi đặt mộ phải cao ráo (vừa phải), cây cỏ tươi tốt, phía trước huyệt mộ cần thoáng đãng, không bị che chắn... Nếu huyệt mộ nằm trên đồi (hoặc khu đất), được các dòng nước chảy dưới chân bao bọc; hoặc được đồi núi (gò đất) hai bên ôm lấy huyệt mộ ở giữa, phía sau có núi (đồi) cao che chắn, phía trước có ao, hồ, sông nước thì đấy là những thế đất rất tốt để đặt huyệt mộ.

2. Nơi đặt mộ rất cần yên tĩnh, tránh xa nơi ồn ào, náo nhiệt, có đường đi lối lại... Phạm phải, âm trạch sẽ bị nhiễu, tổn hại tới hồng phúc của con cháu. Nếu mộ có đường đi (hoặc dòng nước) đâm thẳng vào giữa, hoặc đâm xuyên sang hai bên, hoặc đường đi sát ngay phía sau là tối kỵ, chủ lụn bại, tổn hại nhân đinh.

3. Nơi đặt mộ rất cần tránh nơi nhiều gió để tụ khí. Tối kỵ đặt mộ ở địa thế cao, trơ trọi, sẽ phạm vào thế gọi là “cô phong sát”, đón gió bốn phương, làm cho khí bị tan tác, dẫn đến con cháu bị lụn bại, gặp nhiều xui xẻo, dễ tổn đinh, tuyệt tự.

4. Nơi đặt huyệt mộ phải tránh chỗ trước đã có người chôn rồi; hoặc có xương thú như voi, trâu, bò, lợn... Phạm phải, con cháu bị bệnh nan y và chết trùng tang liên tục (nhiều người) trong vòng 3 năm.

5. Nơi đặt mộ long mạch phải chảy, không bị cắt đứt, nếu phạm phải, con cháu sẽ ốm đau bệnh tật, chết bất đắc kỳ tử hay tuyệt tự, không có con trai nối dõi. Cũng không được đặt mộ gần cây lớn, phòng rễ cây đâm vào hài cốt người quá cố sẽ bị động mộ, con cháu sẽ gặp những điều xui xẻo, tổn phúc.

6. Nơi đặt huyệt mộ phải tránh mặt đất bị lồi lõm, hình dáng kỳ dị, đất đá khô cứng hoặc đặt trên đồi núi đứng đơn độc.

7. Nơi đặt huyệt mộ tối kỵ đặt trên hoặc cạnh nước ngầm (không phải là mạch nước ngầm); hoặc dưới đáy huyệt mộ có đất đá lổn nhổn sẽ khiến mộ dễ bị sụt, tổn hại đến phúc lộc của con cháu, dòng họ.

8. Nếu đặt mộ ở nghĩa trang cần tránh bị các mộ xung quanh lấn chiếm, hoặc nằm án ngữ ngay trước, hoặc đâm xuyên vào 2 bên cạnh mộ. Phạm phải thì con cháu lụn bại, tổn hại nhân đinh, nhất là gia đình con trai trưởng của người quá cố.

9. Khi đào đất (nơi sẽ đặt huyệt mộ) thấy đất phía dưới xốp, nhẹ, đỏ mịn như tròng đỏ hột gà, hoặc có màu ngũ sắc, màu hồng vàng, màu son đậm, màu hồng có vân là đất đẹp, rất tốt cho đặt huyệt mộ.

10 Khi đào đất lên, đến độ sâu áng chứng sẽ là đáy huyệt phải có mạch nước ngầm (không phải là nước ngầm), nước trong xanh, có mùi thơm. Tối kỵ nước đục, bị ô nhiễm hoặc đáy huyệt không có mạch nước ngầm.

Những trường hợp chôn mộ nơi xấu:

1. Không chôn mộ nơi có nước đọng lại, có nghĩa là long mạch phải chảy, không bị cắt đứt, con cháu sẻ bị thận, hư răng, đau lưng, những bệnh không vận động sẽ phát sinh, chết bất đắc hay tuyệt tự, không con trai nối dõi.

2. Không chôn mộ gần các cây lớn để rễ cây đâm vào hài cốt thì con cháu bị động, đau ốm có thể năm này thì rể cây chưa ăn vào nhưng các năm tiếp theo có thể bị,

3. Không chôn gần các nơi công cộng, khu vui chơi, bến xe, bến tàu, khu công nghiệp nặng, phần âm trạch sẽ bị nhiễu, con cái hư hỏng, học hành không đến nơi đến chốn, tù tội.

4. Không nên đóng đinh, sắc thép vào quan tài, hoặc nếu nút áo của người chết bằng xương thú hay kim khí, cũng phải cắt bỏ, chứ không để nguyên như vậy mà chôn theo người chết. Con cháu điên khùng, ung thư.

5. Mộ xây bằng bê tông cốt sắt mà bít kín mặt nấm sẽ tạo ra áp lực của nước, của khí. khi nhục thể bắt đầu thối rữa, phát sinh ra nhiệt, khiến con cháu bị huyết áp cao, tiểu đường, hay cholesterol.

6. Bia mộ để dưới chân, Con cháu ngu đần, vất vả cơ hàn, nghèo đói.

7. Long hổ giao nhau, núi đồi bên trái mộ và những gò đồi bên tay phải mộ, đụng vào nhau ở tiền án hay minh đường thì loạn luân, anh em dòng họ lấy nhau. (Như ngôi mộ nhà Trần kết phát 200 năm, nhưng gia tộc ruột thịt lấy nhau, vì sợ mất ngôi).

8. Mộ nghịch long, tức là đầu mộ để dưới thấp, chân hướng về tổ sơn trên cao, con cháu loạn thần tặc tử, bất hiếu, bất trung.

9. Mộ đang kết khí, kết thủy, kết mối mà bốc mộ dời đi: Con cháu suy sụp, chết bất đắc.

10. Trùng táng hay trùng huyệt, tức là chôn nhằm chỗ mà trước đây đã có người chôn rồi; hoặc có xương thú như voi, trâu, bò: Con cháu bị bệnh nan y và chết trùng tang liên táng. Nghĩa là nhiều người chết liên tục trong vòng 3 năm.

Thời gian cải táng và quy tập mộ:

Theo tất cả các sách từ xưa để lại, thời gian tốt nhất trong năm là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Không ai cải táng, quy tập mộ đầu năm cũng như sau Đông Chí. Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng. Theo phong tục của người Việt Nam, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng. Tuy nhiên, hiện nay thực tế môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hoá chất được sử dụng nhiều trong đất để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân huỷ diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải táng lâu hơn từ 4 đến 5 năm để tránh hiện tượng trên. Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Ngoài ra còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của trưởng nam. Năm để tiến hành cải táng cũng phải được phù hợp với tuổi của người trưởng nam.

Tin bài liên quan